
Năm 2025 là cột mốc đặc biệt khi những học sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT).
Nhiều điểm mới trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, giải đáp kịp thời. Một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh, thí sinh quan tâm gần đây liên quan đến thông tin sáp nhập các tỉnh, thành phố, phân chia lại địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học.
Giải đáp vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đây là vấn đề đã được Bộ GD&ĐT đặt ra. Đến thời điểm này, đối với tuyển sinh đại học, toàn bộ các điểm ưu tiên khu vực, đối tượng và các phương án ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy chế của những năm trước.

Việc xét tuyển sinh đại học được bắt đầu vào tháng 7 hằng năm. Vì vậy, Vụ Giáo dục Đại học sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT về hướng xử lý có độ trễ trong áp dụng chính sách với trường hợp việc sáp nhập của các địa phương diễn ra trước thời điểm các trường xét tuyển. Theo đó, các chế độ chính sách, phương án ưu tiên sẽ vẫn được giữ nguyên trong mùa tuyển sinh năm 2025 nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Cũng theo ông Dũng thì, học sinh trường chuyên thực tế không nhiều bằng nhóm thí sinh có ưu tiên theo khu vực, đối tượng. Nếu có thay đổi, sẽ có rất nhiều thí sinh trong diện ưu tiên theo khu vực, đối tượng bị ảnh hưởng. Do đó, Vụ Giáo dục Đại học đang tham mưu tất cả những thay đổi (nếu có) liên quan đến việc sáp nhập các địa phương sẽ áp dụng từ năm sau mà không áp dụng ngay trong năm 2025.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm ngoái, cả nước có hơn 733.600 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Trong đó, gần 673.600 thí sinh trúng tuyển đợt một.
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/6. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã đề xuất đẩy sớm lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào đầu tháng 6 (thay vì cuối tháng 6 như hiện nay), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Thời điểm hiện tại, Bộ chưa có thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT luôn chuẩn bị các phương án linh hoạt, phụ thuộc vào điều kiện khách quan.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, diễn ra đồng thời tại 63 tỉnh, thành phố, vì vậy không có việc mỗi địa phương tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp ở thời điểm khác nhau. Nếu có dịch chuyển, lịch thi dự kiến sẽ diễn ra cùng một thời điểm. Hiện nay, công tác chuẩn bị thi đã được phân cấp về địa phương. Do vậy, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, việc dịch chuyển lịch thi phải được tính toán kỹ, tinh thần chung phải ít ảnh hưởng đến toàn hệ thống, nhất là với học sinh.
PV (t/h)