Đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhấn mạnh, sẽ nỗ lực hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022 với số vốn dự kiến giải ngân là 50.327,6 tỷ đồng.
Để thực hiện những mục tiêu này, Bộ GTVT đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm. Nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án. Trong đó tập trung nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật.
Nhóm giải pháp quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được triển khai mạnh mẽ nhằm phục hồi thị trường vận tải trong nước, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ GTVT tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045" theo hướng ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2022 với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Đối với nhóm giải pháp xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020; dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. HCM.
Về nguồn vốn, Bộ GTVT hướng đến tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tiếp tục phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Công tác giải ngân được chú trọng ngay từ các tháng đầu năm 2022. Trong đó, các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tổ chức thực hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công các dự án đầu tư.
Nhóm giải pháp trong công tác điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Bộ tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước được giao trong năm 2022. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư công, tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao.
Về sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ GTVT phân công Vụ Quản lý doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính, đầu tư, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ GTVT; tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, xử lý thực hiện các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong công tác quản lý, cổ phẩn hóa, thoát vốn doanh nghiệp.
Về hợp tác quốc tế, tăng cường kết nối giao thông vận tải trên cơ sở phối hợp thực hiện các đề án, chương trình, dự án hợp tác, thúc đẩy hợp tác song phương với các đối tác quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia, các nước EU... thì năm 2022 Bộ GTVT sẽ tập trung vào việc phối hợp trao đổi thống nhất với các đối tác nước ngoài về việc nối lại các tuyến vận tải quốc tế giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ để thực hiện khôi phục hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa quốc tế và tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; rà soát để loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành.
Q.N (t/h)