Kiểm toán Nhà nước vừa gửi báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018 đến Quốc hội. Theo đó, nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi gặp nhiều vấn đề như tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm, chất lượng công trình thấp, các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao...

Tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Kiểm toán Nhà nước kết luận Bộ GTVT đã điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia nhưng chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội.

Bộ GTVT tăng gấp đôi vốn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhưng không báo cáo Quốc hội? - Hình 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thị sát tàu Cát Linh - Hà Đông

Cụ thể, Bộ đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng (tăng 9.231,6 tỷ đồng).

Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết dự án đã phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng (chiếm 77% tổng mức đầu tư). Nguyên nhân là việc đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn thanh toán thuế giá trị gia tăng sai quy định. Số thuế giá trị gia tăng tăng thêm 12,5 tỷ đồng (phải nộp thêm 2,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ 9,6 tỷ đồng). Phần doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp tăng tương ứng 125,44 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án có một số bất cập như chưa có quy định cụ thể về mức lương, nhu cầu, mức độ cần thiết trong việc thuê chuyên gia tư vấn quốc tế, trong khi chi phí này rất lớn. Tư vấn giám sát do bên tài trợ vốn chỉ định, phía Việt Nam không thể thay thế. Việc điều chỉnh dự án chưa đảm bảo quy định, thay đổi biện pháp thi công khi chưa có dự toán chi tiết...

Theo tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình (Học viện Chính sách và Phát triển), Luật Đầu tư công 2014 quy định dự án có tổng mức đầu tư vượt quá 10.000 tỷ đồng được liệt vào loại dự án quan trọng quốc gia và phải được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ban đầu là dự án nhóm A (tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 10.000 tỷ đồng) nhưng sau đó bị đội vốn trở thành dự án quan trọng quốc gia (trên 10.000 tỷ đồng).

"Về nguyên tắc, việc điều chỉnh tính chất dự án từ nhóm A sang nhóm trọng điểm quốc gia phải được Quốc hội phê duyệt", ông Bình giải thích.

Hằng Vương (T/h)