Đoàn thanh tra gồm thành viên là Thanh tra Bộ GTVT, Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ), Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), đại diện Sở GTVT các tỉnh thành được thanh tra lần này.
Bộ GTVT giao Thanh tra bộ phê duyệt kế hoạch thanh tra, giám sát hoạt động và thanh đổi thành viên của đoàn; chỉ đạo, theo dõi, giúp hoặc trình bộ trưởng xử lý các kiến nghị theo thẩm quyền.
Ảnh minh họa
Đoàn thanh tra của Bộ GTVT sẽ thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại 13 địa phương: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang. Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm thanh tra.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tại cuộc họp về triển khai giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo tổng kiểm tra, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trên toàn quốc, tập trung vào một số cơ sở có biểu hiện vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp lại GPLX ô tô, quy định trước khi cấp lại GPLX do bị mất hoặc hư hỏng phải được Cục cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc Phòng CSGT cấp tỉnh xác nhận GPLX không bị tạm giữ do vi phạm quy định pháp luật.
Không cấp, cấp lại GPLX cho người điều khiển phương tiện vi phạm quy định pháp luật dẫn đến TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian 5 năm kể từ thời điểm xảy ra TNGT; chỉ đạo Thanh tra Bộ và các Sở GTVT sử dụng thông tin về bằng lái xe vi phạm bị tạm giữ tại cơ quan công an để kiểm tra nhằm phát hiện những trường hợp xin cấp lại bằng lái trong thời gian bằng lái bị tạm giữ do vi phạm, yêu cầu hủy kết quả sát hạch, thu hồi GPLX đã cấp.
Hằng Vương