Bộ GTVT yêu cầu xử nghiêm các xe sử dụng ứng dụng Grab hoạt động trái phép - Hình 1

Bộ GTVT yêu cầu  xử nghiêm các xe sử dụng ứng dụng Grab hoạt động trái phép

Tại văn bản này, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu Công ty TNHH Grab thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe GrabCar) trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản 1755/2018 và Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT.

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành các vi phạm (nếu có) đối với lái xe, đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm; hoạt động vận tải có ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn địa phương mình.

Đối với Công ty TNHH Grab, Bộ GTVT yêu cầu chấp hành đúng quy định của pháp luật hiện hành, quy định tại Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT và quy định của Hà Nội.

Theo đó, Grab không được triển khai kinh doanh vận tải trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc; Không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và các Sở GTVT địa phương (gồm cả với xe taxi).

Hiện, Bộ GTVT đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có các đề xuất liên quan tới quản lý vận tải ứng dụng công nghệ, đặc biệt với mô hình gọi xe như Grab, Uber.

Tại bản dự thảo trình Chính phủ mới nhất, Bộ GTVT đề xuất vẫn có xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ, nhưng phải chịu một số quy định quản lý như với taxi ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ (như Grab, Uber), sẽ phải lắp “mào” “XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ”. Đề xuất này được các doanh nghiệp và hiệp hội vận tải đồng ý, nhưng Grab lại phản đối.

Quốc Trường