THCL Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2016/NĐ-CP đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành cần triển khai, rà soát và có các giải pháp nhằm cải cách các thủ tục hành chính; các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 19 đã đề ra.

Nhiều việc làm thiết thực

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng  (Bộ KH&CN): Để triển khai các biện pháp tăng cường hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá; giải quyết các bất cập về quy định kiểm tra hàng nhập khẩu, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượngđã tích cực tham mưu giúp Bộ KH&CN triển khai hoạt động rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014 và Nghị quyết 19/NQ-CP, Bộ KH&CN đã tổ chức xây dựng được 03 Nghị định và 02 Thông tư liên tịch:

Nghị định số 87/2016/NÐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

Thông tư liên tịch số 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN ngày 3/6/2016 hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.

Thông tư liên tịch số 110/TTLT-BTC-BKHCN ngày 30/6/2016 Hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu…

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ KH&CN về kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 19 giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành  rà soát Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 để cắt giảm các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 nhằm loại bỏ các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 không có nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hoặc chưa rõ biện pháp quản lý

Trong hàng loạt các hoạt động tiển khai thực hiện Nghị quyết 19/2016/NĐ-CP, việc rà soát lại các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 nhằm giảm thiểu thời gian kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhóm 2 là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt và kiểm tra sát sao.

Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì hàng hóa nhóm 2 là sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, là sản phẩm, hàng hoá trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định đây là những hàng hóa cần được kiểm tra chuyên ngành trước khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN là đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Rất nhiều biện pháp đã được Bộ triển khai trong thời gian qua.

Bộ Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19/2016/NĐ-CP - Hình 1

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ KH&CN đã tổ chức cuộc họp đối với tất cả các Bộ quản lý ngành lĩnh vực về việc rà soát sản phẩm hàng hoá nhóm 2. Tại cuộc họp, các bộ quản lý ngành lĩnh vực cũng cho rằng cần xác định được chính xác nút thắt trong việc giảm thời gian thông quan thông qua việc giảm thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, cần tách bạch giữa thời gian kiểm tra và thời gian đánh giá sự phù hợp.

Thực tế cho thấy, thời gian lâu là nằm ở thời gian triển khai hoạt động đánh giá sự phù hợp. Bên cạnh đó, Tổng cục Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã liên tục trực tiếp làm việc cụ thể với các bộ quản lý ngành lĩnh vực như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông… để rà soát, sửa đổi danh mục sản phẩm hàng hoá nhóm 2 của các bộ, ngành.

Qua các buổi làm việc, một số bộ, ngành đã tiếp thu và đề xuất sửa đổi loại bỏ một số sản phẩm hàng hoá trong danh mục sản phẩm hàng hoá nhóm 2. Một số bộ, ngành đề nghị giữ nguyên danh sách, một số bộ, ngành đề xuất thay đổi biện pháp quản lý. Ví dụ, Bộ Xây dựng đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục là 36/64 sản phẩm; Bộ Y tế đề xuất loại bỏ ra khỏn danh mục 02 nhóm hàng hóa với 26 sản phẩm; Bộ Công thương đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 01 nhóm sản phẩm dệt may các loại; Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề xuất loại bỏ ra khỏi Danh mục 16 sản phẩm...

Trách nhiệm quy định sản phẩm hàng hoá nhóm 2 là thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Về phía Bộ KH&CN, sẽ tiếp tục đôn đốc và theo dõi tình hình rà soát, sửa đổi danh mục sản phẩm hàng hoá nhóm 2 của các bộ, ngành trong thời gian tới.

Qua thực tế triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhóm 2 cho thấy, việc kiểm tra chuyên ngành theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa chỉ là một trong số nhiều loại hình kiểm tra chuyên ngành. Có rất nhiều các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề kiểm tra chuyên ngành đối với các hàng hóa thuộc nhóm 2, như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Thương mại; Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Pháp lệnh về Kiểm dịch động thực vật... Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục cho hàng hóa được thông quan, ra nhập thị trường.

Hiệu quả thấy rõ

Xét ở hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa thì trong thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành. Đối với sản phẩm, hàng hoá nhóm 2, do Bộ KH&CN quản lý, thời gian dành cho hoạt động kiểm tra chất lượng đã được cắt giảm so với trước.

So với thời gian trung bình trước đây là 23 ngày thì thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra đến khi ra Thông báo kiểm tra nhà nước về chất lượng hiện nay (bao gồm cả thời gian chứng nhận hợp quy và thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra) thấp nhất là với nhóm sản phẩm LPG (1,26 ngày) và cao nhất là với nhóm sản phẩm điện – điện tử (11,4 ngày tại Hải Phòng và 17,06 ngày tại TP. HCM), trong đó thời gian dành cho hoạt động kiểm tra tương ứng với từng nhóm chỉ là 1 ngày và 1,28 ngày.

Như vậy, có thể thấy rằng, nếu các lô hàng khi nhập khẩu đã có chứng chỉ chất lượng (chứng chỉ này được cấp bởi tổ chức được thừa nhận từ nước ngoài được chỉ định, hoặc tổ chức được chỉ định trong nước thực hiện đánh giá tại nguồn sản xuất ở nước xuất khẩu) thì thời gian kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN không quá 1,5 ngày, đáp ứng tốt yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP.

Một vấn đề đặt ra đằng sau những nỗ lực về rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành đó là liệu rút ngắn thời gian kiểm tra có đảm bảo chất lượng kiểm tra, giám sát? Đây cũng chính là thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra các biện pháp quản lý sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, hay là sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Vậy các cơ quan quản lý cần có giải pháp gì để vừa quản lý thích hợp, vừa giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian kiểm tra hàng hoá nhập khẩu, nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát được chất lượng của sản phẩm hàng hoá nhập khẩu, tuân thủ theo các quy định của Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Bộ KH&CN cũng đồng thời triển khai nhiều biện pháp phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện nhiều biện pháp từ rà soát thủ tục hành chính đến ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong kiểm tra chuyên ngành.

Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 110/TTLT-BTC-BKHCN ngày 30/6/2016 hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu. Việc thực hiện tốt thông tư này - sẽ góp phần giảm bớt thời gian đọng hàng ở cửa khẩu chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp và rút ngắn được thời gian trao đổi và cung cấp thông tin về kết quả kiểm tra, đánh giá sự phù hợp (các cơ quan  kiểm tra, đánh giá sự phù hợp, hải quan chấp nhận trao đổi và xử lý thông tin trên file ảnh qua  email, qua bản fax...).

Bên cạnh đó, để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tháng 9/2015, Bộ KH&CN đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 1 đối với 01 thủ tục hành chính là Kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, việc kết nối hoàn toàn sử dụng nhờ hệ thống tin học của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), chưa có hệ thống riêng của Bộ KH&CN.

Tháng 7/2016, Bộ KH&CN đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ KH&CN để kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Tài chính trên Cơ chế một cửa quốc gia” với tiến độ thực hiện từ tháng 7/2016 đến tháng 12/2017 nhằm giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN. Hiện tại, Bộ KH&CN đã hoàn thành việc khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lấy ý kiến các Bộ liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông), đang thẩm định, phê duyệt dự án.

Với những giải pháp đã được triển khai cùng sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng, Nghị quyết 19 của Chính phủ sẽ được triển thực thi càng mạnh mẽ, từ đó giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới.

Minh Anh