Theo đó, chiều 14/6, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Luật An ninh mạng được thông qua ngày 12/6/2018 với số phiếu cao sau nhiều vòng thảo luận, tiếp thu ý kiến rộng rãi, minh bạch của các đại biểu Quốc hội và người dân.
Luật An ninh mạng phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. An ninh mạng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Trong những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính chất xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế-chính trị của các nước.
Trong khi đó, những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng. Do đó, việc xây dựng Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Trả lời câu hỏi về mục đích của việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện các chính sách, pháp luật và triển khai toàn diện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ngày càng tốt những quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.
Dự thảo Luật được xây dựng nhằm mục đích tạo ra những đột phá, động lực phát triển mới cho nền kinh tế, phát huy lợi thế của địa phương.
Cũng tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14/6, liên quan đến trường hợp hai lao động Việt Nam bị ngược đãi tại Hàn Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ liên quan đến thông tin hai lao động Việt Nam (Lê Hồng Sơn và Nguyễn Chí Thắng) làm việc trên tàu 2010 Naekho tại thành phố Seogwipo, tỉnh Jeju, Hàn Quốc, bị ngược đãi, Đại sứ quán Việt Nam cho biết Cảnh sát thành phố Seogwipo thông báo đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hiện nay, hai lao động đang lưu trú tại Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài của tỉnh Jeju.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc theo dõi sát vụ việc, thăm lãnh sự hai lao động và làm việc với các cơ quan chức năng Hàn Quốc đề nghị xác minh các thông tin liên quan, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Ngày 8/6, đại diện của Đại sứ quán đã đến thăm hai lao động tại đảo Jeju; hiện hai lao động đều trong tình trạng sức khỏe ổn định".
Hồng Lĩnh