Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau một năm bùng phát, gây thiệt hại chưa từng có cho ngành chăn nuôi, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát. “Từ tháng 10/2019, chúng ta đã có chủ trương tái đàn, tốc độ tái đàn nhanh, bài bản, yêu cầu đăng ký để đảm bảo điều kiện. Hiện, lợn tái đàn đã được xuất bán ra thị trường”.
Riêng về giá thịt lợn, trong tuần tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngành giảm xuống mức giá 75.000 đồng/kg (hiện đang ở mức trên 80.000 đồng/kg): “Phải bảo vệ thị trường bền vững, tôi khuyến nghị doanh nghiệp giảm giá ngay lập tức”.
Theo đó, các doanh nghiệp cần tự đưa ra các giải pháp tiết kiệm các khâu sản xuất, tiết kiệm trong việc quản trị bộ máy vận hành để hạ giá thành thịt lợn. Mức giá 75.000 đồng được Bộ trưởng đánh giá là một mức giá hợp lý để doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có lợi.
Bộ NN&PTNT kêu gọi doanh nghiệp giảm giá lợn hơi xuống 75.000 đồng/kg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng việc hạ và ổn định giá thịt lợn là một cách để chính các doanh nghiệp bảo vệ thị trường bền vững. Bởi giá thịt lợn nếu duy trì ở mức cao dễ dẫn đến người tiêu dùng tìm kiếm các loại thực phẩm khác. Cùng với đó, các nguồn thịt không rõ nguồn gốc, chất lượng sẽ thâm nhập thị trường, không chỉ gây loạn về giá cả mà còn là nguy cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn để cung cấp các sản phẩm thịt lợn cho thị trường và bình ổn giá.
Với các doanh nghiệp không chịu hạ giá, Bộ sẽ cương quyết đưa ra những biện pháp để bình ổn giá. "Nếu doanh nghiệp không chịu giảm giá thì chúng ta có luật, Bộ sẽ rà soát những ưu đãi trước đó mà doanh nghiệp được hưởng để tiến hành thay đổi. Còn doanh nghiệp nào thực hiện tốt việc giảm giá sẽ được biểu dương ngay" – ông Cường khằng định.
Ngọc Linh