Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Nghị định số 10 là cần thiết trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (sáp nhập tỉnh, xã; bỏ cấp huyện). Những thay đổi này ảnh hưởng đến các quy định hiện hành về mức thu lệ phí trước bạ khác nhau theo địa bàn cấp huyện, hay việc miễn lệ phí trước bạ theo địa bàn xã, phường, thị trấn. Mục tiêu là đảm bảo việc thu lệ phí trước bạ diễn ra thông suốt và không phát sinh vướng mắc.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 8 Nghị định số 10, quy định mức lệ phí trước bạ chung cho xe máy là 2%. Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi, mức thu sẽ là 1%.
Quy định hiện hành tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 10 đang áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 5% cho xe máy đăng ký lần đầu tại 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 83 thành phố thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, sẽ có việc bỏ cấp huyện và sáp nhập khoảng 60% số xã, phường hiện hành. Điều này dẫn đến sự thay đổi lớn về phạm vi địa giới hành chính của các xã, phường thuộc thành phố thuộc tỉnh hay thị xã so với trước đây.
Đặc biệt, việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 63 xuống 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (ví dụ: Hải Dương sáp nhập vào TP. Hải Phòng, Quảng Nam sáp nhập vào TP. Đà Nẵng) sẽ tác động trực tiếp đến người dân. Nếu vẫn giữ quy định cũ, người dân tại các tỉnh (trừ thành phố thuộc tỉnh) sáp nhập vào thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phải nộp lệ phí trước bạ xe máy với mức cao hơn (tăng thêm 3%), tạo thêm gánh nặng không cần thiết.
Ngoài ra, 6 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay đều đã được Quốc hội cho phép Hội đồng nhân dân thành phố có thẩm quyền điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí cao hơn áp dụng trên địa bàn khi cần thiết. Do đó, việc Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định mức thu lệ phí trước bạ 5% đối với xe máy đăng ký tại các thành phố được xem là hợp lý và đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành.
Tâm An (t/h)