Theo Bộ Tài chính trong thời gian qua, thị trường thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động đến nguồn cung và tăng giá bán xăng dầu trên thị trường thế giới.
Tính toán cho thấy, giá xăng dầu thế giới bình quân tính đến kỳ điều hành ngày 21/05/2022 có xu hướng tăng giá so với giá xăng dầu thế giới kỳ điều hành những ngày đầu năm từ 42,9% đến 56,97% tùy từng mặt hàng. Việc giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao đã tác động trực tiếp làm tăng giá xăng dầu trong nước.
Cụ thể, trong kỳ điều hành gần đây nhất vào ngày (01/06), nhà điều hành đã đồng loạt tặng giá xăng dầu trong nước. Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp, qua đó lập đỉnh mới là hơn 31.500 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 14 kỳ điều chỉnh, trong đó 11 kỳ điều chỉnh tăng và chỉ 3 kỳ điều chỉnh giảm.
Để tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung, Bộ Tài chính cho biết hiện đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Về điều hành giá, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo; đồng thời tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ BOG một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá.
Linh Tuệ