Nội dung giải trình trước đó của PSH cho biết, ngày 20/12/2023, UBND tỉnh Hậu Giang gửi công văn đến Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về việc xin ý kiến tháo gỡ khó khăn cho Công ty, tạo điều kiện để Công ty cam kết với địa phương thực hiện nộp dần tiền thuế nợ cho ngân sách Nhà nước.
PSH cũng cho biết, vẫn đang hoạt động kinh doanh và nộp thuế theo từng lần phát sinh 18% vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Công ty cũng đã giải trình với Cục Thuế tỉnh Hậu Giang và có phương án khắc phục thanh toán nợ thuế trong năm 2024.
Mới đây, theo văn bản gửi tới UBND tỉnh Hậu Giang, Bộ Tài chính có ý kiến như sau.
Theo khoản 5, điều 124 Luật Quản lý thuế, Quốc hội quy định “chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế với các trường hợp được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền nợ trong thời hạn; không tính tiền chậm nộp thuế theo quy định; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu cưỡng chế thuế.
Việc nộp dần tiền thuế nợ được thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định số lần nộp dần và hồ sơ, thủ tục về nộp dần tiền thuế nợ.”
Tại khoản 2, Điều 66 Thông tư 80/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, gồm văn bản đề nghị theo mẫu và thư bảo lãnh đúng quy định; bắt buộc phải có nội dung cam kết về việc bên bảo lãnh sẽ nộp thay cho người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không thực hiện đúng thời hạn nộp dần tiền thuế nợ; kèm quyết định cưỡng chế thuế.
Căn cứ các quy định nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, trường hợp PSH đang bị cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, để được nộp dần tiền thuế nợ thì Công ty phải lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2, Điều 66 Thông tư 80 nêu trên và gửi đến Cục Thuế tỉnh Hậu Giang để được xem xét xử lý nộp dần tiền thuế nợ theo đúng thẩm quyền quy định.
Trường hợp Công ty không hoàn thiện được hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ thì Cục Thuế tỉnh Hậu Giang thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với Công ty theo đúng quy định pháp luật.
Theo văn bản giải trình trước đó của PSH, năm 2021, đơn vị này nộp thuế gần 1.800 tỷ đồng, năm 2022 hơn 1.200 tỷ đồng. Thuế phát sinh liên tục hàng tháng (mỗi tháng 146 tỷ đồng) đều được kê khai và nộp đầy đủ.
Thời điểm cuối năm 2022, do ảnh hưởng kinh tế về thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương khi đó đã chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu phải đảm bảo nguồn cung thị trường không đứt gãy, nên doanh nghiệp đã dồn nguồn tiền để nhập hàng hóa dẫn đến chậm trễ nộp thuế.
Bên cạnh đó, từ tháng 04-07/2023, PSH thực hiện mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu mã PSHH2224001 và PSHH2224002, tổng giá trị 250 tỷ đồng, gây tác động đến nguồn tiền.
Hà Trần (t/h)