Bộ Tài chính, trình Chính phủ Nghị định gia hạn thuế cho doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, nền kinh tế đất nước.
Hiện, diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, nguy hiểm, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc, khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình SXKD chịu tác động.
Để các chủ thể SXKD có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020, Bộ Tài chính cho rằng, cần phải có giải pháp gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD và hỗ trợ thị trường.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, nếu khống chế được dịch trong quý I/2020, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo là 6,25% (giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ).
Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96% (giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020; trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
Một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng đáng kể của dịch Covid-19 là dịch vụ du lịch, nông, lâm, thủy hải sản, vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không), sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt may, da giầy, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống), dịch vụ kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống...
Căn cứ Luật Quản lý thuế và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định về gia hạn thuế và tiền thuê đất, đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình SXKD bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19 gây ra.
Các đối tượng được áp dụng tại Nghị định này hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; dệt may; giày, dép; điện tử, máy vi tính; lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); vận tải (đường bộ, đường thủy, hàng không); kho bãi và hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống; đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, quảng bá và tổ chức tua du lịch...
Theo đó, thuế giá trị gia tăng sẽ được gia hạn trong vòng 5 tháng đối với số thuế phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6/2020.
Với mức này, Bộ Tài chính tính toán, số thu ngân sách của các tháng gia hạn sẽ giảm khoảng 22.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của cả năm 2020 vẫn sẽ không bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp phải thực hiện nộp khoản gia hạn này vào trước ngày 31/12/2020.
Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 được gia hạn vào khoảng 3.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đề xuất, thời hạn nộp khoản được gia hạn với nhóm này trước ngày 15/12/2020, cũng không ảnh hưởng tới số thu ngân sách cả năm.
Đối với tiền thuê đất, theo quy định, thời hạn nộp tiền thuê đất hàng năm là 2 kỳ. Theo đó, kỳ 1 nộp trước ngày 31/5; kỳ 2 nộp trước ngày 31/10.
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất 5 tháng, kể từ ngày phải nộp tiền thuê đất của kỳ 1. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng, cũng sẽ không ảnh hưởng đến số thu ngân sách cả năm 2020, do người nộp thuế vẫn phải thực hiện nộp khoản được gia hạn trước ngày 31/10.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh đa ngành kinh tế, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn toàn bộ số thuế giá trị gia tăng phải nộp, nhưng thời hạn nộp khoản gia hạn vẫn phải theo hướng dẫn của Nghị định này.
Đối với tiền thuê đất gia hạn được xác định theo từng quyết định, hợp đồng có mục đích sử dụng đất vào SXKD các ngành kinh tế.
Nguyễn Kiên