Quang cảnh phiên chất vấnQuang cảnh phiên chất vấn

Cần giám sát và kiểm tra thực tế

Sáng nay, trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, để thực hiện cơ chế phòng vệ thương mại, hiện đã có danh mục 25 mặt hàng cảnh báo có nguy cơ có gian lận thương mại trong thương mại với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Việc ngăn chặn các hoạt động gian lận này ngay từ trong các hoạt động đầu tư là rất khó thực hiện để vừa đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo được hiệu quả trong chính sách về xử lý gian lận thương mại.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sự phối hợp và vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng để hướng dẫn cho các địa phương trong giám sát đầu tư thực hiện chuyển tải bất hợp pháp chính. 

Việc lợi dụng gian lận thương mại trong thương mại quốc tế đã có một số trường hợp, nguy cơ còn rất lớn, nguy cơ này đã hiện hữu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án 804 đưa ra hàng loạt các biện pháp khác, cũng như biện pháp phối hợp với các nước đối tác để kiểm soát.

Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta không bị động và đang triển khai quyết liệt”. 

Về vấn đề gian lận thương mại, Bộ trưởng thừa nhận, đã có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Đây thực sự là hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái. Chúng ta đang tổ chức đấu tranh rất kiên quyết chống lại những hiện tượng này. Các lực lượng của 389 Quốc gia, trong đó có cả quản lý thị trường cũng phải quyết liệt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng thống nhất với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc, cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Dự thảo Thông tư Bộ Công thương xây dựng cũng hướng đến mục tiêu này.

Trong phiên chất vấn chiều 6/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng đã đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ hơn về vấn đề hàng hóa nước ngoài 'đội lốt', hàng nhái, hàng giả, cơ chế phòng vệ thương mại của nước ta.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, Bộ trưởng cũng đã nêu được những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng xử lý vấn đề rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu này: Vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật. Hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là sự công khai, minh bạch về quy định hàng Việt Nam là thế nào.

Chính sự thiếu minh bạch này đã làm xuất hiện những doanh nghiệp như Asanzo, Khải Silk.... không biết mình có vi phạm hay không. Như vậy là đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. Liệu "đây có đơn thuần là gian lận thương mại hay không?", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu vấn đề.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấnBộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

Có sự tiếp tay cho hàng giả?

Cũng trong phiên chất vấn chiều 6/11, trả lời về vấn đề ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng cho biết, trên thực tế, những câu chuyện về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã tương đối phổ biến và xảy ra không còn là cá biệt tại các khu vực địa phương trên địa bàn cả nước. Đặc biệt là khi chúng ta đang hội nhập rất sâu và rộng với thế giới thì những câu chuyện này ngày càng phát triển và mạnh mẽ hơn, thậm chí là còn được tổ chức một cách rất tinh vi và có liên kết cả trong và ngoài nước.

Chính vì vậy, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, thể hiện rõ qua vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, của Tổng cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Chúng tôi cũng cho rằng, Bộ Công thương, lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm của mình, trước tiên là lực lượng chủ công trong Ban chỉ đạo 389.

Đồng thời, chúng ta cũng nhìn nhận thấy trách nhiệm của tất cả các lực lượng chức năng của cả hệ thống chính trị trong câu chuyện để đấu tranh cho buôn lậu, gian lận thương mại, thậm chí kể cả những thói quen tập quán trong tiêu dùng của chúng ta cũng đã tạo điều kiện tiếp tay cho những gian lận thương mại. Rất nhiều lần chúng ta cũng thấy là không chỉ có hàng thuốc giả, hàng mỹ phẩm giả, mà đơn giản là quần áo, rồi các đồ trang sức và những đồ tiêu dùng khác, hàng giả được bày bán công khai với sự tiếp tay của rất nhiều lực lượng chức năng tại địa phương.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua Bộ Công thương đã quyết liệt trong xây dựng một loạt đề án đấu tranh từ chống đường buôn lậu, chống hàng giả gian lận trong sở hữu trí tuệ, cũng như những mặt hàng khác liên quan đời sống người dân như là mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng...

“Tại diễn đàn Quốc hội này, tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình trong thời gian vừa qua là chưa quán xuyến và chưa bảo đảm hết được những yêu cầu trong đấu tranh những mặt hàng gian lận và hàng giả, hàng kém phẩm chất này”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu về tình hình sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, mặc dù có quyết liệt phòng, chống ngăn chặn nhưng vẫn gây tâm lý lo lắng cho nhân dân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã rất chủ động để xây dựng các Đề án lớn về phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ cũng như chống truyền tải bất hợp pháp trong các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư tại Việt Nam với những nội dung rất cụ thể.

Trong đó, Bộ Công thương đã chủ động có cơ chế chính sách để thông báo kịp thời cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các tỉnh để quản lý chặt chẽ hơn và khuyến nghị để kiểm soát hoạt động đầu tư, tránh chuyển tải bất hợp pháp.

Mới đây nhất, Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng thông tư cho tạm dừng việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu cũng như chuyển tải xuất khẩu các mặt hàng gỗ dán đi Hoa Kỳ vì đây là mặt hàng có tăng trưởng lên tới hơn 400% trong thời gian vừa qua, đã gây nguy cơ lớn cho câu chuyện gian lận thương mại và gian lận xuất xứ đi Hoa Kỳ.

Đồng thời, Bộ cũng đang tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng tổ chức khuyến nghị cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cảnh báo về nguy cơ bị trừng phạt thương mại cũng như bị áp thuế trong các mặt hàng khác, vì có rất nhiều những sản phẩm là của các nước khác bị áp thuế của Hoa Kỳ, EU và nhiều nước cả về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nên họ tìm cách lợi dụng sản phẩm có xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu đi những nước này, tránh bị áp thuế.

Ngoài ra, các vấn đề về điện lực, quản lý thị trường… cũng được các đại biểu đưa ra chất vấn.

Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh các nội dung: Tiến độ thực hiện dự án đưa điện về nông thôn; vấn đề phát triển điện mặt trời; chính sách mới để phát triển năng lượng sạch; hiệu quả của việc sắp xếp lại bộ máy quản lý thị trường; giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới; giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có in bản đồ hình lưỡi bò; kiểm soát hàng giả, hàng nhái; biện pháp bảo vệ doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước; quản lý các sản phẩm kinh doanh qua mạng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải pháp ngăn chặn tình trạng bán hàng đa cấp biến tướng;...

PV