Ngay sau phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về nhiều vấn đề nóng được quan tâm trong thời gian qua.
Nội dung chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xoay quanh việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Cùng với đó, Quốc hội cũng chất vấn về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng giải trình thêm với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân là tư lệnh các ngành: Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công an. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng sẽ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã báo cáo Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng cho biết, tính đến này 30/9/2019, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của Bộ, ngành, địa phương, biên chế công chức của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, biên chế của các Hội có tính chất đặc thù và biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện được giao năm 2015.
Về công tác bổ nhiệm, theo Bộ trưởng Nội vụ, vẫn còn những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, như bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm quá số lượng quy định; chưa đáp ứng về trình tự, thủ tục bổ nhiệm; bổ nhiệm người nhà người thân.
Từ ngày 1/01/2017 đến ngày 30/9/2019, Thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thu hồi 21 trường hợp bổ nhiệm và 233 trường hợp tuyển dụng không đúng quy định.
Hoan Nguyễn