Những ngày qua, chuyện cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) khóc không thành tiếng khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận.

Chia sẻ với báo chí, cô Lan cho biết: Khi nhận quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng từ tay nhân viên kế toán "tôi ngã khuỵu xuống nền nhà, nước mắt giàn giụa. Các đồng nghiệp có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt bèn ôm tôi khóc”.

Trong khi cơ quan bảo hiểm xã hội cho rằng mức lương của cô Lan như vậy là đúng do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít (22 năm 8 tháng) và mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp. 

Bên hàng lang Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Trường hợp cô Lan tôi rất trăn trở mặc dù theo BHXH trả lời quy định là như thế. Tuy nhiên, bây giờ về hưu, cô giáo nhận được 1,3 triệu thì sống sao được”.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT đang làm việc với Bộ Nội vụ, Tài chính để làm sao thang, bảng lương của các thầy cô đưa vào Luật Giáo dục. Trong sửa Luật Giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ.

“Bộ đang tích cực rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề bất hợp lý để làm sao vị thế của giáo viên đặt đúng chỗ thì mới khuyến khích, động viên các thầy cô. Ngoài  ra, Bộ cũng đang thống kê những trường hợp như cô Lan. Nhất là các cô giáo mầm non, một thời gian rất dài khởi điểm lương thấp, chế độ, chính sách chưa bảo đảm trong khi các cô bị áp lực rất lớn.

Đây là những vấn đề ưu tiên sao cho chế độ làm việc gắn với đãi ngộ mới tạo được động lực. Trong nghị quyết TƯ 29 cũng đã nói thang bảng lương của các thầy cô phải được xếp cao nhất. Bộ đang tích cực, phối hợp với các bộ ngành để làm sao theo đúng nghị quyết của Đảng”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Hoan Nguyễn