Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai báo cáo với đoàn công tác, trên lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về “tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh” với nhiều chỉ đạo cụ thể và đã được phổ biến đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Đồng thời thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh Gia Lai với người đứng đầu Ban Chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh. Từ đây, việc ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động các cơ quan nhà nước đã thực sự được quan tâm. Hầu hết, các hệ thống thông tin của tỉnh đã được đầu tư đều có quy chế quản lý, vận hành và sử dụng.
Trên lĩnh vực thông tin - báo chí - xuất bản, hàng năm ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo, đài hoạt động trên địa bàn tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn Phát biểu và chỉ đạo tại buổi làm việc
Năm 2010 Cổng thông tin điện tử của tỉnh được xây dựng và nâng cấp năm 2016, hiện nay được Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về kỹ thuật, Văn phòng UBND tỉnh quản lý về nội dung, cung cấp các thông tin cần thiết, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, được đánh giá cao về mức độ cung cấp và duy trì hoạt động. 100% các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh được cung cấp trên cổng thông tin điện tử…
Về lĩnh vực bưu chính, viễn thông: Cơ sở hạ tầng, các thiết bị chuyển mạch, truyền dẫn thuộc mạng lưới bưu chính, viễn thông và hạ tầng thông tin trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định. Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hóa xã đạt 88,59%, bán kính phục vụ bình quân 4,57 km/điểm, mật độ phục vụ bình quân 5.958 người/điểm. Có 213/222 xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày.
100% các xã trong tỉnh đã có sóng điện thoại 2G; 221/222 xã có sóng 3G, chiếm 99,54%; Mạng cáp truyền dẫn được phát triển rộng khắp với 177/222 xã, đơn vị hành chính cấp xã được kết nối cáp đồng và 221/222 đơn vị hành chính cấp xã được kết nối cáp quang tới trung tâm; 17/17 đơn vị hành chính cấp huyện được kết nối cáp quang.
Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, văn phòng thường trú và phóng viên thường trú các báo Trung ương và ngành trên địa bàn tỉnh có 21 đơn vị, tỉnh hiện có 04 cơ quan báo chí địa phương. Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng cả nội dung và hình thức các ấn phẩm, chương trình, chuyên trang, chuyên mục đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, bạn nghe, xem đài; các cơ quan báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương, phản ánh đầy đủ các hoạt động, các sự kiện lớn diễn ra trong tỉnh.
Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động thông tin và truyền thông trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể như, việc duy trì hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều điểm BĐVHX phải tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân chính là do điều kiện sinh hoạt của nhân viên tại BĐVHX khó khăn, thu không bằng chi, thiếu nhân lực, thu nhập thấp, sách báo hạn chế, nhu cầu nhân dân sử dụng dịch vụ tại điểm BĐVHX không cao.
Một khó khăn khác là trong công tác quản lý thuê bao di động trả trước, tin nhắn rác. Số lượng sim điện thoại di động kích hoạt sẵn được đưa từ các thành phố lớn về tỉnh Gia Lai nhiều nên gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước. Mặt khác, chưa có cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân điện tử để đối chứng thông tin khách hàng đăng ký đúng hay sai, các đại lý chỉ cần một CMND có thể đăng ký cho nhiều thuê bao, đúng cú pháp là hệ thống quản lý thuê bao di động trả trước của doanh nghiệp chấp nhận...
Số lượng xã, phường có đài truyền thanh không dây còn thấp (141/222), nhiều đài truyền thanh được đầu tư trước đó đã xuống cấp, hư hỏng. Đội ngũ cán bộ làm công tác tại các đài truyền thanh, truyền hình cơ sở còn yếu và thiếu. Chất lượng phủ sóng tuyên truyền đến các xã vùng, sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa cao.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động báo chí còn chưa chặt chẽ, lúng túng trong quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn liên quan chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh quán triệt đầy đủ.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc giải đáp một số vướng mắc được nêu tại buổi làm việc
Cũng tại buổi làm việc, tỉnh đã có một số đề xuất, kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý hoạt động trên lĩnh vực báo chí, hoạt động xuất bản, hoạt động bưu chính viễn thông, về ững dụng và phát triển CNTT, về triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đối với các dự án.
Tỉnh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể về nội dung kiểm tra đối với các hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú như: không đăng ký thường trú hoặc không báo cáo việc hay đổi nhân sự, trụ sở... Thẩm quyền, xử lý vi phạm của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đối với văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các báo tỉnh, thành khác đứng trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, gải thích về các nội dung như thế nào là cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên báo chí, đồng thời hướng dẫn, giải thích cụ thể hơn về điều kiện áp dụng Khoản 1 Điều 7 - Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Nhà báo Huỳnh Kiên, Tổng Biên tập Báo Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc
Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường hướng dẫn, tập huấn về công tác thông tin đối ngoại và thông tin cơ sở (trong đó có việc bố trí kinh phí); hỗ trợ kinh phí đầu tư cụm thông tin đối ngoại tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (giáp Campuchia)...
Trước các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã yêu cầu Cục trưởng Cục An toàn thông tin; viễn thông; báo chí, thông tin đối ngoại, thanh tra… trực tiếp trả lời, đưa ra các biện pháp, hướng dẫn và phối hợp với địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn của hoạt động thông tin, truyền thông tại địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng quà lưu niệm đoàn công tác
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Báo chí, thanh tra trong quý IV này phải lập đoàn công tác phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh rà soát, thanh tra lại hoạt động thường trú báo chí trên địa bàn tỉnh Gia Lai, lập lại trật tự, xử lý nghiêm nếu có sai phạm, tránh trường hợp lợi dụng hoạt động báo chí để trục lợi, vòi vĩnh doanh nghiệp.
Bộ trưởng yêu cầu tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý các trang thông tin tổng hợp có sai phạm, chấm dứt tình trạng sim rác… Quản lý chặt chẽ hơn về công tác viết tin, bài phản ánh về tình hình địa phương có một số thông tin sai sự thật. Tránh trường hợp “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.
Kim Yến