Chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng có phiên chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII về vấn đề “nóng” liên quan đến nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo toàn nền tài chính quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng
Gia tăng nợ công
Đúng như dự báo, phiên chất vấn đã làm “nóng” nghị trường. Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu tập trung vào những nguyên nhân gây ra nợ công ngày càng tăng và giải pháp của Bộ Tài chính trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Lê Thị Công (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) về vấn đề “nợ công có đảm bảo an toàn không và những giải pháp trong thời gian tới của Bộ Tài chính?”, Bộ trưởng cho biết, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, lần lượt qua các năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, đến 2012 là 50,8% và ước tính của 2013 là 54,1%. “Nợ công vẫn đang ở dưới mức theo nghị quyết của Quốc hội là 65%. Như vậy vẫn ở mức an toàn”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, vấn đề nằm trong lo lắng của không ít vị đại biểu đó là ngoài con số khoảng 50% nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm, thì 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ và các khoản vay khác với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2 - 5 năm. Do vậy, áp lực để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn.
Bộ trưởng cũng cho biết, khoảng 30% vay trong nước phải trả trong thời hạn 1 năm, đang là vấn đề rất khó khăn cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, Chính phủ đã có giải pháp để cơ cấu lại nợ công bằng phát hành trái phiếu chính phủ lên từ 5 - 10 năm. Nhưng vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn vừa để phục vụ cho phát triển sản xuất và trả nợ được và không làm phát sinh nợ mới.
Tính toán khả năng cân đối nguồn trả nợ, Bộ trưởng cho biết, với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi NSNN đến năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, những năm tới thu phải tăng 12% - 14%/ năm, cân đối NSNN vững chắc; bội chi hợp lý, dành khoảng 20% tổng thu để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Nêu những giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng khẳng định, ngoài các khoản vay bù đắp, bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả các khoản vay về cho vay lại.
Nhóm giải pháp chủ yếu được Bộ trưởng nhấn mạnh đó là: Bắt buộc phải có tăng thu để sử dụng một phần hợp lý cho tăng chi trả nợ. Khẩn trương rà soát, vay và quản lý đồng tiền vay trong nước và nước ngoài, phòng ngừa chống lãng phí. Đặc biệt, phải tăng cường quản lý khoản vay gắn với các dự án cụ thể. Xem xét mức bảo lãnh với các công trình trọng điểm quốc gia. Cần chủ động tạm ứng vốn ngân sách và cương quyết thu hồi khi chậm trễ hoặc sai phạm.
Cổ phần hóa chậm
Một số đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về nguyên nhân của sự chậm trễ trong cổ phần hóa DNNN.
Theo báo cáo, đến nay, cả nước đã sắp xếp được 5.971 DN, trong đó cổ phần hóa 4.066 DN. Riêng 5 tháng đầu năm, đã cổ phần hóa được 17 DN, trong đó có 13 tổng công ty nhà nước. Theo kế hoạch, trong 2 năm 2014 - 2015, cả nước sẽ cổ phần hóa 432 DN.
Đánh giá chung, Bộ trưởng cho hay, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Công tác thoái vốn khỏi các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính, đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đã quyết liệt trong việc thực hiện thoái vốn đầu tư.
Nhưng qua tổng hợp tình hình, vẫn còn một số hạn chế như việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án tái cơ cấu của một số DN chưa đảm bảo tiến độ đề ra; một số đơn vị chưa tích cực, quyết liệt triển khai lộ trình tái cơ cấu cũng như chưa chủ động báo cáo Chính phủ về tiến độ triển khai và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời; tiến độ cổ phần hoá các DNNN theo phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 thời gian qua còn chậm...
DN tự vay tự trả
Nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh luôn là vấn đề khiến nhiều đại biểu lo lắng.
Theo luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.
Bộ trưởng cho biết, các khoản nợ này và nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đều đã được tính trong phạm vi nợ công. Riêng các khoản vay nợ của DN không được tính trong nợ công bởi DN là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. DN phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.
Phân tích nguyên nhân chủ yếu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ ra yếu tố thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại, trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
Ở các giải pháp chủ yếu giảm nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng “hứa” sẽ tập trung xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN.
Thanh Hoa (Tổng hợp)