Giá cả luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, sữa.... Thời gian vừa qua, dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng đã tranh luận khá nhiều xung quanh việc giá xăng tăng nhanh, giảm chậm và những băn khoăn đó đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải đáp.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thị trường xăng, dầu trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới, cho nên có những lúc tăng rất cao, mà hạ khá chậm. Về việc tiếp tục công khai rõ hơn nữa Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu, Bộ Tài chính hoàn toàn nhất trí. Qua thực tế, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm tra Quỹ BOG xăng dầu thì chưa phát hiện việc sử dụng sai mục đích tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và những kết quả này đã được công khai theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (người đứng). Ảnh: An Đăng/TTXVN

“Chúng tôi có thể công khai việc trích, việc sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với từng doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối trong một thời kỳ, như hàng quý. Việc công khai Quỹ BOG xăng dầu theo Thông tư quy định của Bộ Tài chính là định kỳ hàng quý. Nếu công khai theo định kỳ hàng tháng sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, công sức và thủ tục hành chính phải căn cứ theo báo cáo của doanh nghiệp, việc thẩm tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, nên rất mất thời gian, thủ tục và nhân lực”, Bộ trưởng cho hay.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc công khai hàng quý, việc trích, quản lý và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu với từng thời điểm đối với DN đầu mối theo từng quý là hợp lý.

Đối với vấn đề Liên Bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ BOG 300 đồng/lít xăng như thông báo vào cuối tháng 8 vừa qua trong khi các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lại tăng mạnh mức chiết khấu cho đại lý, chứng tỏ đã có lãi, Bộ trưởng lý giải: Trước đó ngày 17/7, khi giá thế giới biến động bất thường rất lớn, nếu tính đủ các yếu tố thì giá bán lẻ xăng dầu lúc đó phải tăng là 988 đồng/lít xăng.

Tuy nhiên, do yêu cầu phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định giảm 2/3 lợi nhuận định mức của DN, tức là giảm từ 300 đồng/lít xăng xuống còn 100 đồng/lít xăng trong cơ cấu giá bán của xăng dầu trong thời điểm đó.

Thứ hai là đã xả Quỹ BOG xăng dầu tại thời điểm đó là 300 đồng/lít xăng. Thứ ba là số chênh lệch còn lại là 468 đồng/lít xăng. Do vậy, lúc đó Liên Bộ cho phép DN được tăng giá tối đa là 468 đồng/lít xăng. Đến giai đoạn cuối tháng 8/2013, giá xăng, dầu thế giới có xu hướng giảm. Tính bình quân 30 ngày thì chênh lệch giảm khoảng 500 đồng cho 1 lít xăng. Tuy nhiên, để đảm bảo cho lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời lúc đó cũng phải tính đến lợi ích DN, vì vậy Liên Bộ quyết định trả lại cho đủ số lợi nhuận định mức mà trước đó ngày 17/7 đã giảm của DN 200 đồng, bây giờ tăng thêm 200 đồng. Thứ hai là giảm giá bán lẻ xăng là 300 đồng/lít và người tiêu dùng mua xăng sẽ thấy ngay là giảm 300 đồng.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, lợi nhuận định mức giống như "cái van xả" nằm trong cơ cấu của giá cơ sở xăng dầu, đồng thời nằm trong cơ cấu của giá bán xăng dầu, bởi vậy, thời điểm đó vừa trích vừa xả, thực chất là hạch toán trên sổ và người tiêu dùng không bị xâm hại .

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Qua mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu, phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tránh tăng đột biến của mặt hàng này. Như vậy, Quỹ BOG xăng dầu sẽ giải quyết được việc tránh tăng đột biến trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng bất ngờ.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho rằng thứ tự ưu tiên trong nguyên tắc sử dụng các công cụ khi điều chỉnh giá của Liên Bộ là ưu tiên người tiêu dùng, DN và cuối cùng là Nhà nước.

Theo Tin Tức