Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai - Hình 1

 Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

“Chúng ta có hàng chục ngàn công ty vừa và lớn có từ 1.000 người trở lên. Những doanh nghiệp này phải chính là những doanh nghiệp đầu tư vào start up. Điều này không chỉ tốt cho start up mà còn tốt cho chính họ, làm cho họ sáng tạo hơn và tạo ra không gian mới.

Chúng ta nói đến start up không chỉ ở Việt Nam mà cần dần vươn ra toàn cầu. Để giải quyết câu chuyện toàn cầu, hiện vẫn còn điểm nghẽn là tiếng Anh. Xin Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của đất nước Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.

Tán đồng quan điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông, cho rằng Việt Nam đã tham gia ASEAN và ngôn ngữ để giao tiếp trong khối là tiếng Anh.

Vậy nên, “việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam trước sau cũng phải thực hiện. Công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai sẽ thúc đẩy việc lớp trẻ học tiếng Anh. Nếu không phải toàn dân học tiếng Anh thì ít nhất là lớp trẻ”- GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Tuy nhiên, để đề xuất trên được công nhận thì nội dung này phải được đưa vào trong Luật và được Quốc hội thông qua.

Ở một góc nhìn khác, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley lại cho rằng Việt Nam cần phải giải quyết nhanh các thủ tục để không bị tuột mất các nhà đầu tư “thiên thần”.

"Chúng tôi đã kêu gọi những nguồn quỹ trị giá 30 triệu USD, có rất nhiều nhà đầu tư có thể xác nhận, thông qua số tiền như vậy. Nhưng quay về với Việt nam, tôi đã thử làm với tập đoàn Lotte. Giai đoạn đầu tiên chỉ là 200.000 USD, nhưng bây giờ đã quyết định đầu tư vào Việt Nam khoảng 3 triệu USD. Nhưng có một việc khó là xin giấy phép từ cả Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng", bà Thạch Lê Anh cho biết.

Còn theo ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sau 2 năm phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp, đã có nhiều chương trình, cuộc thi nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Trong đó khó khăn lớn nhất tập trung vào vấn đề chính sách ưu đãi, vốn, đầu tư…

Anh Phan Anh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt nêu ý kiến: “Chính sách vay vốn, ưu tiên cho các doanh nghiệp sẽ tạo ra các cơ hội về thị trường, định hướng thị trường. Chúng ta có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp đầu tư FDI hoặc các doanh nghiệp lớn ở đây. Những sản phẩm sản xuất trong nước tốt nhưng vẫn nhập khẩu thì nhà nước cũng nên có định hướng để đặt hàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để họ đầu tư vào các lĩnh vực đó, đáp ứng nhu cầu trong nước”.

Bảo Anh