Chiều 4/9, Bộ NN&PTNT tổ chức họp triển khai ứng phó với bão số 3 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để ứng phó với bão số 3.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định đây là một cơn bão rất mạnh, do vậy cần ứng phó với phương châm "Chuẩn bị không hối tiếc," "Hành động không hối tiếc."
Cụ thể, cần huy động mọi lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với bão số 3; bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Cùng với đó, các địa phương chủ động xây dựng các tình huống, kịch bản phù hợp với diễn biến của bão, trong đó chú trọng khuyến cáo đến nhân dân trong việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây... để đảm bảo an toàn cho người dân trước, trong và sau bão.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 chiều 4/9, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, từ ngày 2/9, đơn vị đã có 2 công điện chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát nhằm ứng phó với bão số 3 và bổ sung cơ sở vật chất để đón nhân dân tránh trú...
Đặc biệt, tại các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, TP. Đà Nẵng được nhận định là những địa phương có số lượng lớn tàu thuyền. Do đó, Bộ đội Biên phòng các địa phương sẽ trực tiếp gặp gỡ các chủ tàu, thuyền, kiên quyết kêu gọi di chuyển để đảm bảo an toàn.
Cạnh đó, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng chỉ ra 2 khó khăn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bão, đó là hệ thống thông tin kết nối của bộ đội đã cũ, lạc hậu, dẫn đến công tác thông báo, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Hai là một số ngư dân hoạt động ở vùng biển xa thường dựa vào "kinh nghiệm" của bản thân để tự dự đoán bão, từ đó chủ quan, không chấp hành.
Vị đại diện lấy ví dụ một số ngư dân hoạt động trên biển không chấp hành các yêu cầu di chuyển hoặc nếu chấp hành thì di chuyển chậm, vừa đi vừa đánh bắt.
Trong khi đó, đại diện Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam) cho biết, quân đội đã sẵn sàng hơn 425.000 chiến sĩ với hơn 4.000 lượt phương tiện tàu thuyền, máy bay... để ứng phó với bão số 3.
Đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương thường trực, ứng trực 100% quân số để tham gia phòng chống bão số 3. Đặc biệt, lực lượng công an cơ sở phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các cấp, các ngành trên địa bàn, đảm bảo công tác nắm hộ, nắm người để tuyên truyền và vận động nhân dân, triển khai ngay các phương án, kế hoạch và cùng với các cấp, ngành đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra ở mức thấp nhất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, theo dự báo đến thời điểm hiện tại thì đây là cơn bão mạnh, ảnh hưởng rộng cả miền Bắc. Khu vực bão đổ bộ là trọng điểm phát triển kinh tế của miền Bắc, trong đó có nông nghiệp. Hiện khu vực này có hơn 20 ngàn lồng cá, 1 triệu ha lúa mùa, trong đó có gần 500 ngàn ha đang trổ bông, chỉ cần ngập một ngày là hỏng…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ngoài về phát triển kinh tế, tình trạng ngập úng ở cả đô thị, đồng bằng và sạt lở ở miền núi cũng là vấn đề rất lớn. Không loại trừ các khu đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ ngập nặng nếu mưa lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu có gió cấp 11, giật cấp 13 đổ bộ Hà Nội mà không chằng buộc thì chắc chắn mái tôn, cửa kính sẽ bay không khác gì có chiến tranh. Đây là vấn đến chúng ta không mong muốn nhưng phải tính toán để có kịch bản.
Ông Hiệp yêu cầu các tỉnh không chủ quan vì nhiều năm nay mới có bão mạnh. Các địa phương cần chủ động cắt tỉa cây xanh, chằng, chống nhà cửa, với cấp độ bão thế này thì kịch bản di dân, di dân đi chỗ nào... để hạn chế tối đa về người, tài sản.
Thứ trưởng Hiệp đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cố gắng dự báo, cung cấp thông tin sớm và chính xác nhất có thể. Nếu ở mức độ rủi ro thiên tai như hiện nay, tức rủi ro ở cấp độ 4, Chính phủ sẽ thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với cơn bão, từ đó chỉ đạo các địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An để chủ động ứng phó bão. Tuy nhiên, nếu rủi ro thiên tai ở cấp 5 thì phương án ứng phó bão sẽ có nhiều thay đổi.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, đêm 6/9, bão số 3 sẽ đi vào vịnh Bắc bộ, cường độ ở cấp 12 - cấp 13, giật cấp 15. Khu vực Bắc Trung bộ có gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 12. Cạnh đó, từ ngày 7 - 9/9 sẽ xảy ra một đợt mưa lớn ở Bắc bộ.
Thiên Trường (t/h)