THCL Sáng nay (16/11), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời các nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra trên nghị trường trong phiên chất vấn của Quốc hội khóa XIV.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về năng lực giáo viên chưa đạt - Hình 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Mở đầu chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) hỏi 2 câu hỏi với Bộ trưởng về Đề án Ngoại ngữ 2020 trong giáo dục quốc dân với tổng kinh phí gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2008 - 2015, đã tiêu hết 5.000 tỷ đồng; nhưng sau gần 8 năm thực hiện, chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. Với nhiều hạn chế và 4 nhóm giải pháp mà Bộ trưởng đã nêu trong báo cáo với Quốc Hội, ông có khẳng định, đến năm 2020, dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không?

Câu hỏi 2, đại biểu Ánh đặt câu hỏi trong Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT quy định về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ông đưa ra nghịch lý là chúng ta đòi hỏi trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên cao hơn giảng viên, giáo viên. Theo Bộ trưởng, như vậy có đảm bảo tính logic?

Trả lời câu hỏi trên đề án có đạt mục tiêu hay không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Không!

Bộ trưởng dẫn giải, trước hết dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn cần phải có thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án, Bộ rất cố gắng đưa ra một lộ trình với quyết tâm cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có gặp nhiều vấn đề về thời gian, về kinh phí... Trên cương vị Bộ trưởng, chúng tôi nhận trách nhiệm bám sát để thực hiện mục tiêu này.

Do đó, gần đây chúng tôi cho rà soát để điều chỉnh về cách tiếp cận. Không phải Đề án 2020 chịu trách nhiệm đào tạo các vấn đề ngoại ngữ cho tất cả các nhóm đối tượng. Nếu đặt vấn đề như vậy là không khả thi mà phải tập trung vào các nhóm như Chương trình nội dung phải được biên soạn có hệ thống, hội nhập quốc tế, chứ không phải theo năng lực giáo viên.

Thứ hai, khâu chuẩn bị về năng lực giáo viên qua rà soát là chưa đạt, do đó chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thứ 3, những phương thức tổ chức giảng dạy tập trung thiết kế theo phương thức đào tạo trực tuyến từ xa, nhấn mạnh tới xã hội hóa. Với tinh thần tiếp cận đó, sắp tới chúng tôi sẽ trình Chính phủ phương án điều chỉnh về đề án này. Trong đó, có điều chỉnh các khung bậc. Thay bằng phân bổ kinh phí cho địa phương thì nay, tập trung cho chuyên môn.

Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore từ khi độc lập, họ đã có một nền ngoại ngữ tương đối tốt, nhưng khi đạt được trình độ tiếng Anh, trung bình phải mất 38 năm. Do đó, phải có thời gian.

Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nội vụ và đương nhiên nhóm cán bộ có điều kiện phát triển, phải cho học thêm, tránh tình trạng mua bán chứng chỉ.

Hoan Nguyễn