Chiều 13/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đăng đàn trả lời chất vấn trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên chất vấn.
"Nóng" vấn đề xâm hại tình dục trẻ em
Nêu câu hỏi tại phiên chất vấn, ĐB Bùi Huyền Mai (Hà Nội): Đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá về mức độ tình trạng nghiêm trọng của xâm hại, nhất là xâm hại tình dục trẻ em hiện nay như thế nào? Có vụ có ý kiến của lãnh đạo cấp cao và báo chí thì việc xử lý mới rốt ráo và hiệu quả?
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Năm 2017, phát hiện 1.592 vụ, giảm 3%. 6 tháng đầu năm nay phát hiện hơn 700 vụ, xâm hại tình dục chiếm hơn 80% số vụ việc. Nạn nhân chủ yếu là cháu gái, chiếm 80%.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nguyên nhân chung do tuyên truyền đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, phối hợp chăm sóc các em chưa chặt chẽ, thiếu kỹ năng. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm về xâm hại trẻ em còn hạn chế.
“Việc tố cáo trình báo về xâm hại trẻ em còn chậm nên việc củng cố chứng cứ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến điều tra xử lý. Nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác, có trường hợp nạn nhân và gia đình thiếu hợp tác với cơ quan điều tra, không có nhân chứng, nạn nhân còn nhỏ nên việc khai báo chưa chính xác, không thống nhất...
Không phải khi có lãnh đạo ý kiến mới được xử lý, mà tất cả các vụ đều được xem xét xử lý. Nhưng do có sự khó khăn cả về khách quan và chủ quan liên quan tình tiết vụ án nên có sự kéo dài một số vụ án”, Bộ trưởng nói.
Tranh luận lại về vấn đề này, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho hay: Tôi chưa thoả mãn về phần giải thích của Bộ trưởng liên quan tình trạng xâm hại trẻ em. Nguyên nhân nào dẫn đến gia tăng đột biến về xâm hại trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2018?
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, con số thống kê được là số lượng các vụ việc phát hiện. Còn thực tế ở địa phương thì cần đánh giá một cách kỹ càng hơn. Số tăng lên một phần do tập trung chỉ đạo quyết liệt, khám phá, điều tra ngăn chặn, đó là sự hợp tác chung của quần chúng nhân dân.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: “Về cơ quan điều tra chuyên trách, chúng tôi nhiều lần đề nghị nên có trình tự thủ tục đặc biệt để điều tra vụ việc này. Nếu có quy định trình tự đặc biệt sẽ tháo gỡ được khó khăn, sớm vạch trần tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Còn lực lượng điều tra chuyên trách thì Bộ Công an đã hình thành để điều tra trong nước và cả hợp tác quốc tế”.
Xử nghiêm đối tượng tiếp tay làm giả bệnh án tâm thần
Liên quan tình trạng các đối tượng tâm thần gây ra các vụ án giết người, giết nhiều người, hành vi dã man, giết người thân trong gia đình, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an đã và đang có các biện pháp tăng cường quản lý các đối tượng tâm thần. Các đối tượng tâm thần sẽ được quản lý chặt chẽ, đưa vào các trung tâm điều trị chữa bệnh và giao cho phường, xã quản lý, không để gây ra các vụ án man rợ như trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Công an cũng cho biết, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần để hưởng chính sách khoan hồng về hình sự, trốn tránh những hành vi phạm tội. Qua công tác điều tra, đã có vụ án các cán bộ công an phối hợp cơ quan y tế để làm rõ thủ đoạn hoạt động này. “Khi gây án, cuộc sống hoạt động bình thường nhưng khi truy tố, xét xử thì có hồ sơ đưa ra bị tâm thần, nhất là tâm thần phân liệt”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, để xảy ra tình trạng làm giả bệnh án tâm thần, có những đối tượng trong cơ quan y tế tiếp tay làm giả cần phải bị xử lý nghiêm. Đồng thời, các đối tượng tìm cách gian lận, người không bị tâm thần nhưng làm giả để trốn tránh pháp luật chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Cơ quan Công an sẽ phối hợp các cơ quan y tế để không tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.
Hoan Nguyễn