Theo đó, Nghị quyết 1210/2016//UBTVQH13 ngày 25/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị sau 5 năm tổ chức thi hành đã góp phần quan trọng trong công tác phát triển đô thị, là cơ sở để triển khai các dự án phát triển đô thị trên toàn quốc, nhưng trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.
Các bộ ngành có liên quan đều nhất trí với việc cần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210. Đại diện của các Bộ ngành, Vụ Pháp luật của Quốc hội đề nghị khi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cần phải đánh giá thực tiễn tại các địa phương, nghiên cứu về thẩm quyền quyết định công nhận loại đô thị; những cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh nên được quy định trực tiếp trong dự thảo; đồng thời cần có sự liên thông với Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH/QH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính…
Với nhiệm vụ là cơ quan chủ trì biên soạn, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung của Nghị quyết 1210, bao gồm: Nguyên tắc phân loại đô thị, quy mô dân số của 6 loại đô thị, phân loại đô thị áp dụng đặc thù, thẩm quyền quyết công nhận loại đô thị; hồ sơ đánh giá; trình tự thủ tục thẩm định phân loại đô thị; tổ chức thực hiện phân loại đô thị.
“Tại cuộc họp trực tuyến ngày 1/7, Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Hải Phòng… đã đóng góp ý kiến cho dự thảo. Về cơ bản, các Sở Xây dựng đều cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210 là cần thiết, đồng thời nêu ra một số khó khăn, vướng mắc khi tiến hành phân loại đô thị tại địa phương theo Nghị quyết 1210. Ngoài ra, các Sở cũng đóng góp một số ý kiến cho dự thảo về quy mô dân số cho từng loại đô thị; mục đích phân loại đô thị; lựa chọn đơn vị tư vấn có trình độ chuyên môn; trình tự thủ tục thẩm định; xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá phân loại đô thị…” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.
Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ tiếp nhận toàn bộ ý kiến đóng góp dựa vào hệ thống văn bản pháp luật cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210 bằng thư điện tử qua hộp thư: lehongthuy_uda@moc.gov.vn hoặc văn bản gửi về Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng - 37 Lê Đại Hành - Hai Bà Trưng - Hà Nội trước ngày 10/8/2021. Sau đó Bộ sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ.
PT