Ngày 25/02, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
30% bộ, địa phương triển khai trợ lý ảo
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết tính đến tháng 02/2023, đã cấp trên 78 triệu thẻ căn cước có gắn chip điện tử cho công dân. Đồng thời, đẩy mạnh chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt qua nền tảng số của Bưu điện Việt Nam (VNPost) với giá trị giao dịch bình quân rất lớn, khoảng 30 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, cơ bản mỗi bộ, ngành, địa phương đều có 32+1 nhiệm vụ trong năm 2023, gồm 32 nhiệm vụ chung và 1 nội dung đặc thù được giao thêm. Trong các nhiệm vụ chung, có 8 nội dung về dữ liệu số, 9 nội dung về Chính phủ số, 5 nội dung về kinh tế số, 6 nội dung về xã hội số và 4 nội dung về an toàn, an ninh mạng.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ TT-TT, trợ lý ảo là một hình thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ công chức, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ. Nhiệm vụ năm 2023 là trên 30% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và phục vụ người dân. Với nội dung mới này, các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo cách làm của TAND Tối cao với trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán hoặc của Bộ TT-TT với trợ lý ảo hỗ trợ an toàn thông tin mạng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Theo đó, nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện và bảo đảm cập nhật "đúng, đủ, sạch, sống" thường xuyên từ cơ sở. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng tạo lập dữ liệu phải đi liền với bảo vệ dữ liệu, trong đó đặc biệt coi trọng bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Qua kiểm tra hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương cho thấy còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng bảo mật cần khắc phục.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, tính đến ngày 23/02, đã thu nhận hơn 21 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử. Trong đó, đã phê duyệt hơn 20 triệu hồ sơ; có khoảng 4,5 triệu tài khoản kích hoạt. Đồng thời, tiếp tục phát triển các tiện ích trên VNeID theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip giúp giảm thủ tục hành chính, công dân không phải mang theo giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, giúp giảm chi phí khi thực hiện những thủ tục hành chính liên quan, như: chi phí sao y chứng thực sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; chi phí nhà nước lưu trữ hồ sơ, giấy tờ. Đồng thời, giúp công khai, minh bạch tất cả thủ tục hành chính; đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, giảm tình trạng "tham nhũng vặt"...
Không để người dân thất vọng
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy từ ngày 01/01 vừa qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân. Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi triển khai biện pháp quản lý mới thường khó tránh những vấn đề phát sinh. Thủ tướng chỉ đạo và Bộ TT-TT đã kiểm tra ngay để xử lý các vấn đề liên quan. Song song đó, các địa phương phải vào cuộc; đặc biệt là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải quan tâm tháo gỡ với tinh thần: "Người dân cần nhìn thấy và thụ hưởng kết quả cụ thể, không để người dân thất vọng về chuyển đổi số".
"Lưu ý thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương phải tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu được đề cập tại Đề án 06/2022, Quyết định 422/2022 và Chỉ thị 05/2023 của Thủ tướng. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng thẻ thông hành di chuyển nội địa (VNeID), phấn đấu đến tháng 06/2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Bộ TT-TT làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao, giải quyết tình trạng sim "rác". Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an tiếp tục thúc đẩy triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước; nghiên cứu giải pháp sổ lao động điện tử cho người lao động.
PV (t/h)