Theo thông tin từ PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong 2 tuần trở lại đây số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng nhanh. Bệnh viện tiếp nhận khám khoảng hơn 200 ca mỗi ngày, trong đó tỷ lệ nhập viện 10–20%. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm 2017 tăng gấp 4 lần với nhiều ca diễn biến nặng. Đặc biệt, ca tử vong thứ 15 trên cả nước là một bệnh nhân xuất huyết não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 4.000 ca mắc và 1 trường hợp tử vong sau nhiều năm là nữ sinh viên 19 tuổi. Trung bình mỗi tuần có thêm 600-700 ca mắc mới.
Lý giải nguyên nhân dịch bệnh sốt xuất huyết tại miền Bắc tăng cao, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, năm nay, khu vực miền Bắc và Hà Nội có mùa hè đến sớm, không có đợt rét tháng ba nên muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ đường nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng dự trữ nước. Chính việc trữ nước này đã tạo điều kiện cho bọ gậy, loăng quăng phát triển.
Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh ở Hà Nội
Đặc biệt, Hà Nội có nhiều công trình xây dựng đang triển khai trong các khu vực dân cư và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp với khu nhà trọ của công nhân lao động điều kiện vệ sinh kém cũng là nguy cơ cho véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Trước diễn biến tình hình dịch sốt xuất huyết đang gia tăng chóng mặt, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, khi người dân bị sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Nhân viên y tế cũng cần lưu ý đến bệnh để cho bệnh nhân xét nghiệm máu xem tiểu cầu có giảm...
Ban đầu người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với cúm và một số bệnh khác. Bệnh có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh, đặc biệt gây sốc. Bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng chính là sốt cấp tính và kèm theo xuất huyết. bệnh nhân sốt kéo dài từ 2-5 ngày với biểu hiện sốt cao, nhức đầu, đau nhức hố mắt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn…
Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, bệnh chuyển nặng, xuất huyết nhiều có thể gây chảy máu cam, rong kinh, rong huyết, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Đây là tình trạng bệnh hết sức nặng nề. Đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, tiểu đường, bệnh phổi mạn tĩnh… thì rất dễ trở nặng.
Thậm chí, có người chỉ sốt và sau vài ngày đã dẫn đến sốc. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng. Nhiều trường hợp bị chảy máu dạ dày, rong kinh kéo dài, mất nhiều máu. Nếu không được điều trị và hỗ trợ truyền máu kịp thời, nguy cơ người bệnh tử vong rất cao, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì khi có biểu hiện sốt người dân cần đến ngay các cơ sở y tế sớm để xét nghiệm, chẩn đoán xem có mắc sốt xuất huyết hay không. Chuyên gia này lưu ý, có nhiều trường hợp bệnh nhân khi sốt đến ngày thứ ba, khi vào viện vẫn tươi tỉnh, cười nói bình thường nhưng chỉ sau 3 tiếng tiếp theo đã tử vong vì xuất huyết não. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nếu đến cơ sở y tế sớm sẽ được dự phòng điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Ngọc Linh