THCL Gần như mọi kết quả bầu cử tại Hà Lan đều có thể dẫn đến việc diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về “exit-EU” tại xứ sở hoa Tulip...
Cuộc bầu cử có thể không tạo ra nhiều đổi thay trong đời sống chính trị tại Hà Lan
The Guardian ngày 13/3 bình luận rằng, sau nhiều năm hậu thuẫn cho các đảng phái chính trị tryến thống, dường như nhiều người dân Hà Lan đang hướng tới có một lựa chọn mới thay cho việc lựa chọn như thường lệ, nhằm tạo ra sự đổi thay cho đời sống chính trị tại xứ sở hoa Tulip, song có lẽ điều đó chưa thể có được qua cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan diễn ra ngày 15/3/2017.
Theo tờ báo Anh thì việc chính trường Hà Lan sẽ bị chi phối bởi lực lượng theo chủ nghĩa dân tuý chiếm xác suất không cao và điều đó được lý giải bởi 3 nguyên nhân chính sau đây :
Thứ nhất, thành quả mà chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Mark Rutte đạt được trong quá trình điều hành và quản lý đất nước, trong đó đáng kể nhất là thành tựu về kinh tế.
Năm 2016, kinh tế Hà Lan lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng vượt qua Đức và dẫn đầu trong khối EU, với tỷ lệ 2,1% - mức tăng mạnh nhất từ năm 2007.
Tỷ lệ thất nghiệp của Hà Lan giảm xuống còn 5,3% và số người có việc làm còn cao hơn trước khủng hoảng 2008.
Tình trạng ngân sách quốc gia cũng được cải thiện, theo đó ngân sách năm 2017 có thể sẽ được cân bằng hoặc thậm chí thặng dư, nợ công có khả năng giảm xuống dưới 60% GDP.
Lãnh tụ đảng PVV dân tuý Geert Wilders - tâm điểm của cuộc bầu cử tại Hà Lan
Thứ hai, hiện tại có tới 28 đảng phái ở Hà Lan tìm kiếm cơ hội thành lập chính phủ mới qua cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 15/3. Điều đó cho thấy có sự chia rẽ rất sâu sắc giữa các đảng phái, cho nên việc thành lập chính phủ liên minh là không thể tránh khỏi và đây chính là điều ngăn cản lực lượng cánh hữu có thể nắm quyền tại Hà Lan.
Theo khảo sát gần đây nhất của trung tâm Peilingwijzer cho thấy, Đảng Tự do – Dân chủ đương quyền (VVD) sẽ giành được khoảng 23-27 ghế, đảng Đảng Tự do (PVV) của lãnh tụ Geert Wilders theo chủ nghĩa dân tộc sẽ được 21-25 ghế, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDA) sẽ được18-20 ghế.
Đảng Dân chủ 66 (17-19 ghế), Đảng Xanh (15-17 ghế), Đảng Xã hội (14-16 ghế) và Đảng Lao động (11-13 ghế).
Thứ ba, cử tri chưa thực sự muốn trao quyền cho lực lượng cánh hữu mà chỉ muốn tạo ra một làn gió mới cho đời sống chính trị tại Hà Lan, để qua đó hiệu chỉnh quan điểm chính trị cũng như đường lối lãnh đạo của lực lượng chính trị truyền thống. Điều đó được thể hiện rõ qua các cuộc khảo sát cho thấy đảng đương quyền vẫn đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ của cử tri.
Theo giới phân tích thì khả năng ông Mark Rutte tiếp tục được trao quyền thành lập chính phủ là rất cao, ngay cả khi đảng PVV của ông Geert Wilders về nhất trong cuộc bầu cử. Điều này được lý giải bởi khả năng kết liên minh của PVV với các đảng chính trị quan trọng bị đánh giá là rất thấp.
Đời sống xã hội tại Hà Lan sẽ có nhiều thay đổi sau cuộc bầu cử Quốc hội
The Guardian bình luận rằng, cho dù lực lượng cánh tả có thể tiếp tục nắm quyền tại Hà Lan sau cuộc bầu cử ngày 15/3, song Hà Lan sẽ không bước tiếp trong trật tự vốn có của thế giới tự do, mà sự thể sẽ có nhiều khác biệt. Nghĩa là đời sống xã hội tại Hà Lan sẽ có nhiều đổi thay, dù lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tuý không chi phối vũ đài chính trị tại quốc gia này.
Người dân Hà Lan có thể ủng hộ chính phủ đương nhiệm bởi những thành quả đã đạt được trong điều hành và quản lý đất nước, nhất là những thành tựu kinh tế, nhưng họ không hài lòng với chất lượng sống hiện tại. Với người dân Hà Lan, những số liệu về nền kinh tế tăng trưởng mạnh, tạo ra nhiều việc làm, có chế độ phúc lợi tốt, đó chỉ là so với tiêu chuẩn của quốc tế.
Nhưng theo ông Gijs Schumacher, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Amsterdam, cho biết: "Cử tri Hà Lan không so sánh với người dân các nước khác, mà họ so sánh với chính họ trong những năm 1990, trước sự kiện 11/9 và trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Do đó mọi thứ hiện tại có thể tốt, nhưng thực sự không phải là thành quả đáng tự hào”.
Còn ông André Krouwel tại Đại học Tự do Amsterdam, thì nhận định rằng, cử tri Hà Lan không còn tin tưởng nhiều vào các đảng phái truyền thống trong việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho họ. Trong những lúc như vậy họ cần tìm cách buộc giới chính trị truyền thống phải thay đổi và ủng hộ cho lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tuý là một cách tạo ra sự đổi thay.
"Tôi có thể bầu cho PVV, nhưng tôi không hy vọng ông Wilders làm thủ tướng”, The Guardian dẫn lời một cử tri Hà Lan cho biết quan điểm của mình trước cuộc bầu cử ngày 15/3. Đây chính là lý do người Hà Lan tiến bộ đang quay trở lại xu hướng dân túy. Khi chủ nghĩa quốc gia được khơi dậy và cổ suý thì những cơ chế liên minh hay toàn cầu hoá sẽ bị đe doạ nghiêm trọng.
Khi Brexit diễn ra, rồi tỷ phú Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, lực lượng theo chủ nghĩa dân tuý tại Hà Lan như được tiếp thêm sức mạnh và tạo ra áp lực rất lớn đối với lực lượng cầm quyền phải đổi thay đất nước. Thậm chí việc kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân cho việc ra đi hay ở lại EU cũng đã được lực lượng cánh hữu nêu ra trong quá trình tranh cử.
Theo The Guardian, trong các cuộc khảo sát gần đây nhất thì có đến 40% cử tri Hà Lan vẫn chưa đưa quyết định của mình và có thể nhận diện đây chính là sức ép với bất cứ lực lượng chính trị nào lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 15/3, về việc phải tạo ra những đổi thay cho đời sống xã hội tại Hà Lan.
Gần như mọi kết quả của cuộc bầu cử tại Hà Lan đều gây hiệu ứng tiêu cực cho EU
Theo giới phân tích thì kịch bản Hà Lan tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU (Nexit) đang đến gần hơn bao giờ hết, do sự trỗi dậy của phong trào dân tuý. Bởi lẽ - như phân tích ở trên – cho dù lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tuý có chi phối vũ đài chính trị Hà Lan sau cuộc bầu cử Quốc hội hay không, thì lực lượng này sẽ luôn tạo ra đòn bẩy cho sự thay đổi trong đời sống xã hội tại Hà Lan.
Ông Niek Stam, một lãnh đạo công đoàn, cho rằng giới công nhân tại cảng Rotterdam sẽ bầu cho ông Wilders. Họ làm như vậy không phải vì phân biệt chủng tộc, mà vì lo lắng cho công việc và cuộc sống. Về vấn đề “exit-EU”, ông Stam cho biết nhiều người Hà Lan đang nghĩ rằng “chúng ta nên học theo người Anh, khi toàn cầu hóa chỉ mang lại phiền toái”.
Còn Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem thì cho biết, dù có những dự báo tích cực về kinh tế nhưng nhiều cử tri đã phải trải qua những giai đoạn thật sự khó khăn nên giảm sút niềm tin. Tâm lý thất vọng thể hiện rõ qua cuộc trưng cầu do Ipsos tổ chức hồi tháng 5/2016, khi có tới 46% người dân Hà Lan ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Nexit.
Lãnh đạo EU nín thở trước cuộc "sát hạch" tại Hà Lan
Vậy một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Nexit có diễn ra sau cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan? Xin phân tích 4 tình huống có thể xảy ra từ kết quả cuộc bầu cử ngày 15/3 tại Hà Lan.
Tình huống thứ nhất, phong trào dân tuý giành chiến thắng và nắm quyền lãnh đạo đất nước Hà Lan. Nếu điều này xảy ra thì đây chính là cú sốc trong đời sống chính trị tại Hà Lan nói riêng và trong toàn khu vực Eurozone nói chung. Và với tình huống này thì một cuộc trưng cầu dân ý cho vấn đề Nexit chắc chắn sẽ được tổ chức.
Tình huống thứ hai, phong trào dân tuý giành chiến thắng, nhưng không thể tạo ra liên minh chính trị để có đủ điều kiện thành lập chính phủ. Đây là tình huống được cho là dễ xảy ra nhất, khi đó lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tuý sẽ gây áp lực mạnh mẽ cho việc đổi thay xã hội tại Hà Lan và cuộc trưng cầu dân ý về Nexit sẽ diễn ra.
Tình huống thứ ba, phong trào dân tuý “không thắng không bại”, nghĩa là giữ nguyên số ghế có được trong Quốc hội 150 ghế như kỳ trước. Nếu điều này diễn ra, cho thấy chỗ đứng của chủ nghĩa dân tuý trong đời sống chính trị tại Hà Lan đã khá vững chắc và sẽ là đòn bẩy cho việc đổi thay xã hội, việc thúc đẩy trưng cầu ý dân về Nexit vẫn có thể diễn ra.
Tình huống thứ tư, phong trào dân tuý thất bại, số phiều kiếm được sau cuộc bầu cử ít hơn so với kỳ trước. Khi đó lực lượng chính trị truyền thống làm chủ hoàn toàn đời sống chính trị tại Hà Lan và việc đổi thay trong đời sống xã hội sẽ giảm nhiều sức ép, cuộc trưng cầu dân ý về Nexit sẽ khó có thể được tổ chức.
Như vậy là 3 trong 4 tình huống từ kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan đều dẫn đến việc có thể diễn ra một cuộc trưng cầu ý dân về “exit-EU” tại xứ sở hoa Tulip – trong khi đây là điều lo ngại nhất của giới lãnh đạo EU trong thời điểm hiện nay. Không những vậy cả 3 tình huống từ kết quả cuộc bầu cử tại Hà Lan đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức sắp tới đây.
Giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan là phiên sát hạch đầu tiên cho một EU thống nhất hay phân rã thời hậu Brexit. Chính vì vậy cả EU được cho là đều “nín thở trước giờ G”, không khác gì đêm trước của cuộc trưng cầu ý dân tại nước Anh và kết quả là Brexit đã diễn ra.
Ngọc Việt - Baodatviet