Quy chế quản lý truy xuất nguồn gốc; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm OCOP của tỉnh được áp dụng từ ngày 06/12/2024
Quy chế quản lý truy xuất nguồn gốc; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm OCOP được áp dụng từ ngày 6/12/2024

Theo đó, quy chế này quy định việc quản lý truy xuất nguồn gốc; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau. 

Đối tượng áp dụng: Cơ quan quản lý Nhà nước về truy xuất nguồn gốc; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm OCOP.

Các tổ chức, cá nhân có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau (chủ thể OCOP) tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Cà Mau hoặc được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; chủ giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động truy xuất nguồn gốc; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.

Trong đó, đối với việc quản lý truy xuất nguồn gốc sẽ tập trung quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc; tài khoản quản trị và tài khoản sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc; quản lý về vật mang dữ liệu; quản lý thay đổi dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Đối với việc quản lý Nhà nước về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: UBND tỉnh tổ chức quản lý hoạt động đối với tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; chủ giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tại địa phương và thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động theo quy định của pháp luật tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. 

Đồng thời, trách nhiệm của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, chủ giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận:

Xây dựng và ban hành quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận;

Chủ động rà soát quy chế quản lý, sử dụng phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý. Quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận theo quy chế do mình ban hành;

Tổ chức thực hiện các biện pháp để quản lý việc sử dụng của các chủ thể OCOP sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nhằm bảo đảm sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quy định;

Lập và công khai danh sách chủ thể OCOP sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Danh sách chủ thể OCOP sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận phải được cập nhật khi có bất kỳ sự thay đổi nào;

Theo dõi, thực hiện các biện pháp để phòng ngừa và ngăn cấm các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật;

Tăng cường hướng dẫn các chủ thể OCOP tham gia và cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các yêu cầu quy định; báo cáo cho Sở Khoa học và Công nghệ về tình hình quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận theo yêu cầu.

Thuận Yến(t/h)