Theo đó, mục tiêu đề ra trong năm 2023 diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, an toàn, sinh thái và tương đương tăng 10%/năm so với năm 2022.

Cụ thể, trong năm 2023 ban hành, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được phân công quản lý đáp ứng quy định đảm bảo an toàn thực phẩm (xếp loại A, B) đạt 98% trở lên. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đạt 85% trở lên.

Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10% so với năm 2022.

Đồng thời, diện tích trồng trọt, diện tích nuôi trồng thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, an toàn, sinh thái và tương đương tăng 10%/năm so với năm 2022. Số cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng 15% so với năm 2022. Kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp.

Trên 80% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Sở Y tế, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các nội dung có liên quan tại kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

PV(t/h)