Khi đề xuất xin chủ trương khen thưởng phải ghi cụ thể nội dung phong trào thi đua.
Khi đề xuất xin chủ trương khen thưởng phải ghi cụ thể nội dung phong trào thi đua. Ảnh KT.

Cụ thể, chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tình; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau; Giám đốc các công ty, doanh nghiệp thuộc Khối thi đua của tỉnh và Trưởng Cụm, Khối thi đua tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số 32 ngày 14/11/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy chế về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 10 ngày 20/7/2020; Quyết định số 09 ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế về tiêu chí đánh giá, cách chấm điểm công nhận sáng kiến trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng.

Đồng thời, đối với việc gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng và công nhận sáng kiến cấp tỉnh thực hiện đúng thời gian gửi hồ sơ khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, chậm nhất đến hết ngày 28/02 hàng năm; ngành Giáo dục và Đào tạo chậm nhất đến hết ngày 31/7 hàng năm.

Thời gian gửi hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh trước ngày 15/02 hàng năm; ngành Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/07 hàng năm. Trường hợp gửi hồ sơ trễ quá thời gian quy định thì thủ trưởng đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm và không được xem xét khen thưởng, công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, về xin chủ trương khen thưởng thành tích chuyên đề, theo đợt: Các cơ quan, đơn vị, địa phương khi tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực (khen thưởng chuyên đề, theo đợt), khi đề xuất xin chủ trương khen thưởng phải ghi cụ thể nội dung phong trào thi đua; số lượng tập thể, cá nhân và dự kiến trình khen, thời gian tổ chức.

Quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng các sáng kiến khi đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh, lựa chọn những sáng kiến mang tính mới; tính hiệu quả khi đã được áp dụng thực tế và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến; tránh các sáng kiến chủ yếu là công việc hàng ngày và nhiệm vụ được giao hay được trích từ báo cáo chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Không đề nghị những sáng kiến đã được công nhận trước đây; sáng kiến sao chép; sáng kiến mang tính chung chung; tên và nội dung của sáng kiến chưa thể hiện được tính mới, tính hiệu quả chưa chứng minh được khả năng áp dụng trong thực tiễn; phạm vi ảnh hưởng hẹp.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm việc xem xét, rà soát nội dung các sáng kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình trước khi xét trình công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới, các mô hình hoạt động có hiệu quả để nhân rộng, noi gương và tạo sự lan tỏa của các phong trào thi đua, góp phần nâng cao chất lượng khen thưởng. Khi tiến hành sơ kết, tổng kết gửi báo cáo số lượng các tập thể, cá nhân được điển hình về Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng) để tổng hợp, theo dõi.

Thuận Yến - Thùy Linh