Theo đó, mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2030 có 95% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và tai nạn, thương tích; 70% trẻ em từ 06 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 60% trẻ em từ 06 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn; 150.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; 470 trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn và hàng năm tăng từ 5 - 10% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn.
Đồng thời, phấn đấu 100% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh; 100% các cơ sở tổ chức bơi, vui chơi giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật. 100% nhân viên y tế ấp, khóm, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích.
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em.
Ngoài ra, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là tập trung đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành nhằm giảm mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở, nâng cao nhận thức Nhân dân, ý thức trách nhiệm của cha, mẹ, người thân trong việc đồng hành cùng chính quyền thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ an toàn cho trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Thuận Yến - Thuỳ Linh(t/h)