Theo đó, với sự phong phú về ngành hàng và đặc sản nông nghiệp, cùng với việc sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới) với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau khoảng 42.000 ha và Vườn Quốc gia U Minh Hạ hơn 8.000 ha, tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp thông qua các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch homestay, mang lại hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp ở Cà Mau chưa thật sự phát triển, tiềm năng chưa được phát huy; hoạt động vẫn còn rời rạc, tự phát, đơn điệu và chưa có sự gắn kết nên chưa thu hút được du khách. Do đó, hội thảo mong muốn tìm ra giải pháp hiệu quả, toàn diện, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh Cà Mau trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.
Hội thảo đã nhận được 18 bài tham luận từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, đơn vị kinh doanh du lịch phân tích, đánh giá thực trạng thời gian qua và đề xuất những giải pháp đột phá để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Đồng thời, Hội thảo còn giới thiệu một số kinh nghiệm, mô hình phát triển du lịch nông nghiệp của quốc tế và một số địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, nhằm làm cơ sở tham khảo về những giải pháp, hướng đi bền vững trong phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian tới.
Sau hội thảo, các đại biểu sẽ tiếp tục nghiên cứu, chắc lọc và xây dựng báo cáo cụ thể những vấn đề đặt ra để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp có cái nhìn tổng quan để có những giải pháp cụ thể hơn, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
PV(t/h)