Tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ dự kiến phải tăng chi khoảng 52 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống, dập dịch, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, đảm bảo an sinh và an toàn xã hội.
Trong đó, khoảng 12-16 nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế; thực hiện một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19.
Thực tế, việc mua sắm trang thiết bị y tế đã dính nhiều điều tiếng, rõ nhất đã được thể hiện trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước hồi năm 2018.
Qua cuộc kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 và các năm trước sau có liên quan đối với Bộ Y tế và 8 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Giang, Bình Dương), Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện việc đầu tư, mua sắm thiếu kế hoạch, lập danh mục mua sắm chưa sát nhu cầu thực tế, thiếu căn cứ xây dựng giá kế hoạch; công tác đấu thầu thiếu chặt chẽ, khách quan...
Lỗ hổng trong vụ việc tại CDC Hà Nội, có đang hiện hữu trong việc "thổi giá" mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19?
Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số đơn vị do chưa xác định nhu cầu cấp thiết hay xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nên khi đầu tư mua sắm chưa đưa vào khai thác, sử dụng hoặc ít sử dụng gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Theo kết quả kiểm toán tại 8 tỉnh, thành phố, tổng số trang thiết bị hỏng, sử dụng còn hạn chế là 1.225 thiết bị với tổng nguyên giá là hơn 371 tỷ đồng, trong đó số lượng trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng là 456 thiết bị, tổng nguyên giá 151 tỷ đồng. Cá biệt, còn khá nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng...
Với hàng nghìn tỷ đồng được chi ra cho việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch, những lo ngại về việc dồn dập mua sắm trang thiết bị nhưng không sử dụng hoặc ít sử dụng, để lãng phí lại dấy lên. Thậm chí nạn rút ruột, nâng khống giá trị để trục lợi sẽ xảy ra.
Câu chuyện ở CDC Hà Nội và dấu hiệu ở một số tỉnh vừa qua là tiếng chuông cảnh báo mạnh mẽ. Với vai trò đứng đầu của Giám đốc Trung tâm Nguyễn Nhật Cảm là minh chứng rõ nhất. Từ đầu năm 2020 đến nay, CDC Hà Nội đã công bố 28 kế hoạch lựa chọn nhà thầu liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 với tổng mức đầu tư là 210 tỷ đồng. Tất cả các gói thầu thuộc 28 kế hoạch lựa chọn nhà thầu này đều sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống dịch, được chỉ định thầu hoặc chỉ định thầu rút gọn. Ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm bị khởi tố cũng vì vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến việc mua hệ thống máy xét nghiệm Covid-19.
Trong cơ chế cấp bách, nhiều gói thầu hàng chục tỷ đồng đã được các đơn vị chi ra để mua trang thiết bị, vật tư y tế bằng hình thức chỉ định thầu và thẩm định giá. Đây được coi là “lỗ hổng” lớn dẫn đến thực trạng hiện nay, nhất là trong quá trình làm việc lại xuất hiện tiêu cực “móc ngoặc” chia lợi ích thì khó tránh khỏi thất thoát thông qua hành vi tự “thổi giá”.
Tuy nhiên, chỉ định thầu ở đây không có nghĩa là không đấu giá. Luật cũng bắt buộc các đơn vị phải thuê thẩm định giá, yêu cầu nhà thầu lựa chọn sản phẩm với mức giá phù hợp với giá thị trường trong và ngoài nước. Sau khi thẩm định giá đưa ra ý kiến, cần phải có hội đồng hoặc tổ thẩm định giá để lựa chọn mức giá hợp lý nhất. Vậy nên, trường hợp để “loạn” giá đầu tiên phải kể đến vai trò của người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá. Tiếp đó là thành viên các hội đồng hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương.
Việc "thổi giá” đã diễn ra đối với vụ việc tại CDC Hà Nội, là một ví dụ điển hình, trong đó, đơn vị thẩm định đóng vai trò then chốt trong việc quyết định giá trị của một sản phẩm là bao nhiêu, nếu không có những chế tài cụ thể khống chế trong thẩm định giá thì đây sẽ trở thành một trong những lỗ hổng nguy hiểm nhất, để các đối tượng luồn lách, lợi dụng rút ruột ngân sách.
PV