Tại Hà Nội, trong tuần qua, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng với 1.442 ca, (tăng 0,5% so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Hoàng Mai (187 ca), Phú Xuyên (141 ca), Hà Đông (131 ca), Đống Đa (104 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 16.314 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó đã có 18 ca tử vong.

Các chuyên gia y tế cho rằng, những ngày gần đây, Hà Nội đón đợt rét đầu tiên của mùa đông, do đó, người dân cho rằng, muỗi sẽ không hoạt động khi trời lạnh nên bỏ qua việc diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt… Dù nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết vẫn chưa hạ nhiệt
Sốt xuất huyết vẫn chưa hạ nhiệt

Tại TP. HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.169 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 24,8% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 26,4% và ngoại trú giảm 23,1%.

Tính từ đầu năm đến nay, TP. HCM ghi nhận 76.239 trường hợp mắc bệnh, tăng gần 07 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó số sốt xuất huyết nặng là 1.838 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc đến tuần 48 là 2,41% tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 03 đến ngày thứ 07. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.

Từ ngày thứ 04 trở ra, bệnh nhân thường hết sốt nên có thể chủ quan nghĩ mình đã khỏi bệnh. Thế nhưng, đây lại là giai đoạn bệnh có thể tiến triển nặng với các biểu hiện như đau bụng, nôn nhiều, xuất huyết (chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng…).

Thiên Trường (t/h)