THCL Sau vấn nạn cà phê bẩn - độc thì thực trạng cà phê trộn đậu nành tràn lan được truyền thông, báo chí đưa tin - đang khiến người tiêu dùng ngờ vực và mất lòng tin vào tách cà phê mình đang uống mỗi ngày.

Cà phê bình dân kém chất lượng (TP. HCM): NTD đang uống cà phê hay uống gì? - Hình 1

 Những ly cà phê “đen, đặc, đắng” đang đánh mất dần vị cà phê nguyên chất của người Việt

Chưa bao giờ, nhiều người Việt lại có nhiều suy nghĩ về ly cà phê trên tay mỗi ngày như bây giờ. Họ đang uống cà phê hay một thứ gì đó, có thể là đậu bắp hoặc đậu nành, hay thậm chí chỉ là hương liệu cà phê?

Người tiêu dùng thường thích dùng cà phê có đặc điểm “đặc, đắng, sánh, bọt”. Thậm chí, chính sự phổ biến của thói quen đó của người Việt khiến nhiều người mạnh dạn khẳng định rằng phải “đen - đắng - đặc”  mới là cà phê đích thực , cà phê ngon. Thói quen này đã “giết chết” khẩu vị nguyên bản của cà phê, bởi cà phê nguyên chất chưa bao giờ như thế! 

Cà phê bình dân kém chất lượng (TP. HCM): NTD đang uống cà phê hay uống gì? - Hình 2

Khách đến những quán cà phê này chỉ uống theo thói quen và không biết mình đang uống loại cà phê gì…

Anh Tuấn (trú tại Q.10) thường có thói quen uống cà phê vào buổi sáng tại quán trước khi bắt đầu một ngày làm việc. “Uống nhiều thành quen, thấy cũng thơm ngon. Chứ thực ra, để chắc chắn đó có phải là cà phê nguyên chất hoàn toàn hay không thì người uống như tôi cũng không biết được”, anh Tuấn cho hay.

Có thể thấy rằng, khẩu vị thị trường cà phê Việt hiện nay đang quen với vị cà phê độn không nguyên bản. Khẩu vị này đang đi ngược lại với văn hóa cà phê mà hàng thế kỷ qua, chúng ta rất tự hào có truyền thống lâu đời.

Bởi, theo đánh giá của những người sành cà phê Việt, cà phê nguyên chất không có màu đen sì như nhiều người nghĩ, mà có màu nâu cánh gián sậm. Khi pha cà phê nguyên chất, thường không có độ sánh đặc sệt sệt như loại cà phê bị pha trộn. Đặc biệt, vị của cà phê Việt nguyên chất có vị đắng thanh và không gắt, thơm nhẹ.

Một thực tế đáng buồn nữa đó là để chiều theo thói quen và khẩu vị của người uống, những chủ quán cà phê hay kinh doanh cà phê bột không ngần ngại chọn cà phê có pha trộn thứ hạt khác vào. 

Vì lợi nhuận, các chủ quán mua cà phê với giá càng rẻ càng tốt, khiến người sản xuất không cách nào khác là phải hạ giá tối đa bằng cách pha trộn càng nhiều bắp, đậu nành càng tốt. Cứ thế, cà phê nguyên chất Việt như lạc vào ma trận dòng chảy của cà phê mà đáng lẽ, nó phải ở vị thế của một “đứa con cưng”.

Anh Minh Chánh (ngụ tại đường Chu Văn An, Q. Bình Thạnh) cho biết: “Trước đây, tôi thường sáng sớm 6 giờ là ra quán cà phê, vừa uống, vừa đọc báo rồi mới đi làm. Bây giờ, đọc tin tức báo đài nhiều nên chỉ lâu lâu thèm quá thì mới uống, chứ cũng không dám thường xuyên uống. Quán quen thì mình tin người ta không “bỏ bùa”, nhưng ai mà biết được nhà sản xuất có thêm bớt gì hay không?”.

Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý đó là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, nhưng tăng trưởng tiêu dùng cà phê của Việt Nam rất thấp. Trong khi các quốc gia, bao giờ cũng khuyến khích tiêu dùng trong nước, khi dư thừa tiêu dùng trong nước mới tính đến xuất khẩu thì tại Việt Nam, các sản phẩm cà phê ngon đều xuất khẩu ra nước ngoài.

Người ưa thích cà phê có quyền được biết ly cà phê họ uống mỗi ngày có phải thực sự là cà phê hay không? Câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản này - đặt trong bối cảnh hỗn tạp của thị trường cà phê pha Việt Nam, không dễ có câu trả lời thỏa đáng.

Thu An