THCL Những ly cà phê đen đặc vẫn được chuyền tay tới người Việt mỗi ngay. Thế nhưng, nguyên liệu pha chế ra loại cà phê vỉa hè này, có thực sự nguyên chất?

Cà phê bình dân kém chất lượng (TP. HCM): Tràn ngập đường phố - Hình 1

Những quán cà phê cóc, cà phê vỉa hè luôn tấp nập khách

Có lẽ, khi nhắc đến cà phê, điều đầu tiên người ta nghĩ ngay đến là những quán vỉa hè, cà phê bệt. Khắp mọi ngõ ngách, đường phố, các quán cà phê vỉa hè, cà phê bệt trở thành những địa điểm quen thuộc của người dân. Quanh các khu vực cổng trường học, văn phòng, khu xây dựng hay trong những ngõ hẻm…, cà phê đường phố “ăn sâu” vào nếp sống của nhiều người.

Điều kiện vệ sinh, thẩm mỹ, không khí, cũng như sự phục vụ, chăm sóc khách hàng không hoàn toàn được như mong muốn; bù lại, giá bình dân và tiện lợi là điều nhiều người lựa chọn uống cà phê ở những quán vỉa hè. Khách đến với cà phê vỉa hè cũng rất đa dạng và nhiều thành phần: từ bác xe ôm, anh công chức, cho đến những người hành nghề tự do, thậm chí là giới văn nghệ sỹ… 

Khảo sát trên một số tuyến đường tại TP. Hồ Chí Minh, các quán cà phê từ sang trọng cho đến quán cà phê vỉa hè, cà phê cóc mọc lên nhan nhản. Thời điểm sáng sớm và chiều tối, lượng khách tìm đến những quán cà phê vỉa hè chật kín...

Bà H. chủ một quán cà phê bệt trên đường Song hành tại (Q. 2) cho biết, giá 1 kg cà phê loại ngon phải trên 200.000 đồng, tuy nhiên các quán cà phê thường chọn loại rẻ nhất với giá 80.000 – 100.000 đồng. Cũng có người bỏ mối chỉ với giá 60.000 – 70.000 đồng và theo bà M. thì không thể có cà phê nguyên chất với mức giá này được.

Thay vì mua cà phê xay về pha, quán  vợ chồng ông T. (Trần Não, Q. 2) lại mua cà phê pha sẵn trong chai về bán. Theo ông T., hàng ngày vẫn bán mấy chục ly cà phê đá với giá 8.000 đồng cho thợ hồ, nhưng có thấy ai chê bai gì đâu?

Cà phê bình dân kém chất lượng (TP. HCM): Tràn ngập đường phố - Hình 2

Trong ly cà phê đen, đặc sánh này, có phải là cà phê nguyên chất?

Mấy năm trở lại đây, tại TP. HCM, ngoài những quán cà phê vỉa hè, còn xuất hiện loại hình cà phê mang đi (take away, to go…) rồi cà phê dạo, xe đẩy… Với các kiểu kinh doanh cà phê này thì người bán chỉ cần một chiếc xe máy hoặc xe đạp với một thùng đá giữ lạnh, cà phê được pha sẵn trong bình lớn hay chiết ra lý nhựa nhỏ, thêm đường hoặc sữa, đánh tạo bọt, rồi cho đá vào.

Giá mỗi ly cà phê bán dạo, thậm chí còn rẻ hơn nhiều lần so với các quán cà phê vỉa hè. Chỉ khoảng 10.000 đồng, khách hàng đã có trong tay một ly cà phê đậm đặc!

Đánh vào tâm lý ham rẻ của đa phần khách hàng, cà phê đường phố ngày càng mọc lên như nấm. Trong khi đó, nhiều kết luận khảo sát của các cơ quan chức năng trong thời gian qua khẳng định, nhiều mẫu cà phê từ các quán vỉa hè được làm từ những nguyên liệu khác là bột bắp, bột đậu nành… được rang cháy rồi tẩm ướp với các chất phụ gia khác.

Cà phê mà không có cà phê! Vậy trong ly cà phê chỉ 10.000 đồng đó, người tiêu dùng đang uống mỗi ngày - thực chất là thứ gì? Và tỷ lệ pha trộn, chất lượng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm có đảm bảo hay không?... Có thể, chỉ có người bán mới biết!

Tuy nhiên, ngay cả những người bán, tức các chủ quán cà phê vỉa hè, chủ quầy cà phê mang đi hay chủ xe cà phê dạo... có khi cũng là nạn nhân của các cơ sở sản xuất cà phê giả. Bởi thực tế, tình trạng nhiều cơ sở sản xuất cà phê trộn, cà phê giả, nhưng trên bao bì sản phẩm vẫn khẳng định “cà phê nguyên chất 100%”(!). Hàm lượng cà phê bao nhiêu,  không hề được minh bạch rõ ràng, nguồn gốc của các chất phụ gia trộn vào cà phê cũng bị giấu nhẹm.

Dĩ nhiên, người bán không phải là người trực tiếp sản xuất cà phê và chỉ quan tâm đến giá thành sản phẩm nên chỉ nhìn vào bao bì, nhãn mác sản phẩm để nhập hàng. Nhưng nạn nhân trực tiếp và ảnh hưởng nhất của vấn nạn cà phê giả, không ai khác chính là người tiêu dùng. Họ đang trực tiếp uống mỗi ngày, trong khi chính họ cũng không biết cà phê mình đang uống làm từ nguyên liệu gì?

Dũng Mạnh