Các biện pháp trả đũa gây thêm căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ-Trung - Hình 1

Bên ngoài Nhà Trắng tại thủ đô Washington DC., Mỹ ngày 8/3 vừa qua. (Ảnh: TTXVN)

Đồng thời, Nhà Trắng cũng kêu gọi Bắc Kinh không nên tấn công “các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ được buôn bán một cách công bằng.”

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters nhấn mạnh: “Hành vi trợ giá của Trung Quốc cũng như tình trạng cung thường xuyên vượt cầu là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng thép.

Thay vì tấn công các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ được buôn bán một cách công bằng, Trung Quốc cần phải dừng các tập quán thương mại gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ và bóp méo thị trường thế giới.”

Trước đó cùng ngày 2/4, Trung Quốc đã hối thúc Mỹ hủy bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đưa trao đổi thương mại song phương đối với các sản phẩm liên quan trở về trạng thái bình thường.

Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra tuyên bố này khi bình luận về quyết định mới của Bắc Kinh ngừng ưu đãi thuế cho 128 sản phẩm của Mỹ từ ngày 2/4.

Cụ thể, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ áp mức thuế 15% đối với 120 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ gồm trái cây và các sản phẩm liên quan và mức 25% đối với 8 mặt hàng gồm thịt lợn và các sản phẩm liên quan.

Biện pháp này nhằm đáp trả quyết định trước đó của Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm.

Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng quyết định của Mỹ đã làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, do đó việc ngừng ưu đãi thuế cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ là nhằm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh.

Tháng Ba vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, trong đó có các sản phẩm của Trung Quốc.

Tiếp sau đó, Tổng thống Mỹ quyết định áp thêm thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 60 tỷ USD, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực mà Washington cho là đã "đánh cắp" công nghệ của Mỹ.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cần công bố danh sách các mặt hàng nói trên trước thứ Sáu tuần này theo sắc lệnh về thuế đối với Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump ký hôm 22/3 vừa qua.

Bất chấp những động thái căng thẳng như trên, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cùng ngày 2/4 cho biết ông không nhận thấy hành động đáp trả lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong một động thái leo thang căng thẳng thương mại kiểu "ăn miếng trả miếng."

Phản ứng về việc Trung Quốc ngừng ưu đãi thuế cho 128 sản phẩm của Mỹ, ông Navarro không cho rằng đó là hành động đáp trả, điều vốn sẽ chỉ dẫn tới những vòng xoáy leo thang.

Theo các nhà phân tích, mặc dù căng thẳng đã gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, song sự đối đầu vẫn chưa dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại, do các hành động đáp trả lẫn nhau mới chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm cụ thể.

Monica de Bolle, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nhận định sự phản ứng của Trung Quốc nêu trên chỉ mang tính "biểu tượng," trong khi Trung Quốc cũng "chưa làm gì" với cây lúa miến hay đậu tương của Mỹ.

Trong khi đó, bài bình luận trên trang nhất tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc cho rằng những mức thuế mà Bắc Kinh áp dụng đối với 128 mặt hàng của Mỹ chỉ là để “bù đắp những thiệt hại” do chính sách thuế của Mỹ gây ra cho nước này và cũng là để bảo vệ những lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Theo TTXVN