Lãnh đạo tỉnh BR-VT tại buổi đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư
Doanh nghiệp bị làm phiền vì phải tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh nhận được 23 ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có 9 ý kiến phản ánh trực tiếp tại hội trường, 14 ý kiến chuyển bằng văn bản. Nội dung ý kiến đề cập chủ yếu lĩnh vực hải quan, chính sách ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực cơ khí trên địa bàn tỉnh, cải cách thủ tục hành chính trong việc phản hồi thông tin doanh nghiệp, lĩnh vực cảng biển và vấn đề nạo vét đổ bùn thải, vấn đề phát triển giáo dục theo hình thức xã hội hóa và khung pháp lý đối với lao động Việt Nam sang nước ngoài đào tạo.
Ông Kurita Akira, Tổng giám đốc công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân cảng – Cái Mép
Ông Kurita Akira, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân cảng – Cái Mép, mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, hỗ trợ vấn đề đổ thải để nạo vét luồng Cái Mép – Thị Vải đạt độ sâu chuẩn tắc ( -14m) như thiết kế. Tỉnh hỗ trợ phát triển về dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần, thu hút thêm các nhà đầu tư và phát triển khu vực Cái Mép trở thành trung tâm Logistics lớn nhất của cả nước.
Ông Trần Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH VARD Vũng Tàu
Liên quan đến vấn đề cảng biển và nạo vét bùn thải, ông Trần Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH VARD Vũng Tàu phản ánh: Chúng tôi là đơn vị đóng tàu nên bị cản trở nhiều vì bến không được nạo vét. Công ty đã nhiều lần làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng 2 năm nay, chưa có giải pháp tháo gỡ, trong khi tháng 11 này phải hạ thủy một con tàu. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của đơn vị.
Về vấn đề cử lao động sang nước ngoài trong vai trò “dạy” chứ không phải “học” mà Công ty VARD đang thực hiện trong thời gian qua, ông Bình phản ánh còn gặp lung túng trở ngại vì không có quy định, cơ sở pháp lý nào đề cập vấn đề này. “Từ trước đến giờ chúng tôi áp dụng rất gượng gạo các quy định, văn bản pháp luật vì không có khung pháp lý nào thực hiện”.
Ông Bình phân tích, thực tế sự phát triển của Việt Nam chúng ta, nhất là chuyên ngành đóng tàu, thiết kế hàng hải rất tốt, có thể cung cấp dịch vụ giúp đỡ đào tạo cho đối tác nước ngoài, thế nhưng khung pháp lý lại chưa có, đề nghị tỉnh có giải pháp giúp doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Lạc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Phương
Ông Vũ Văn Đảo – Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam
Ông Phan Thiện Tín, Giám đốc Công ty TNHH Song Quang phản ảnh: “Theo quy định 1 năm các cơ quan, ban ngành kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần nhưng chỉ trong 8 tháng đầu năm doanh nghiệp phải tiếp 3 đoàn thanh tra, kiểm tra (Cơ quan Hải quan, BHXH và Thuế). Mỗi lần tiếp một đoàn thanh tra, doanh nghiệp mất không dưới 10 ngày phải giải trình, bổ sung hồ sơ, thậm chí mất cả tháng mới ra quyết định. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo về việc này để bớt phiền hà cho doanh nghiệp”.
ông Nguyễn Đức Lạc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Phương đề cập đến sự chậm trễ trong phản hồi văn bản của doanh nghiệp. “Những văn bản chúng tôi gửi về tỉnh chỉ trong 10 ngày nhưng khi về Sở mất gần 2 tháng. Thủ tục hành chính thời đại 4.0 rồi mà còn nhiêu khê quá. Đề nghị tỉnh có giải pháp mới tiếp cận thông tin doanh nghiệp nhanh hơn.
Đại diện Công ty TNHH Thép Vina Kyoei
Đại diện công ty TNHH Thép Vina Kyoei kiến nghị thay vì phải ký quỹ 20% cho nhập khẩu thép phế liệu thì cho doanh nghiệp được bảo lãnh ngân hàng đối với khoản vay này. Vì kinh phí ký quỹ lớn làm chi phí sản xuất kinh doanh tăng.
Doanh nghiệp này cũng phản ánh việc kiểm tra thép phế nhập khẩu hiện tại đã thực hiện bởi 3 cơ quan giám định. Như vậy cùng 1 đối tượng kiểm tra, có 3 cơ quan thực hiện. Các cơ quan không sử dụng kết quả của nhau dẫn đến chồng chéo làm tăng thời gian thông quan, tăngchi phí cho doanh nghiệp. Kiến nghị tỉnh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian thông quan.
Tăng chỉ số phục vụ của cơ quan nhà nước
Đại diện các sở Tài Nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Cục Hải quan tiếp thu và giải đáp các ý kiến của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý, đồng thời sẽ có văn bản trả lời từng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp có trách nhiệm với sự phát triển của tỉnh bằng cách lên tiếng chỉ ra những việc gì tỉnh làm chưa tốt để khắc phục, tạo môi trường phát triển tốt cho các doanh nghiệp, doanh nhân.
UBND, HĐND, các cơ quan chức năng tỉnh có trách nhiệm giám sát kiểm tra công vụ để tăng chỉ số phục vụ tận tụy của cơ quan nhà nước với xã hội và nhân dân một cách tốt hơn.
Người lãnh đạo của các cơ quan nhà nước không thể là người yếu kém về pháp luật, không thể là người không có trách nhiệm trong việc thực thi công vụ. Tỉnh đang cố gắng tạo 1 đội ngũ công chức, lãnh đạo của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này.
Bí thư Tỉnh ủy BR-VT khẳng định vấn đề về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá đất phát triển quỹ đất cho kinh tế là những vấn đề tỉnh phải quan tâm giải quyết một cách tích cực.
Tỉnh ủng hộ doanh nghiệp đồng hành với sự phát triển của tỉnh bằng những dự án mang tính chất xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao.
UBND tỉnh cần có điều phối trong việc thanh tra kiểm tra doanh nghiệp. Trừ trường hợp vi phạm đặc biệt nếu bình thường không làm phiền toái doanh nghiệp. Các cơ quan có thể phối hợp với nhau kiểm tra một lần đối với doanh nghiệp.
Bí thư tỉnh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin Truyền thông thiết lập ngay đường dây nóng kết nối doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh. truyển thông tin về lãnh đạo tỉnh hàng ngày, để kịp thời xử lý.
Thanh Huyền