Hội nghị là dịp để địa phương định vị lại thương hiệu du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong kỷ nguyên CMCN 4.0, giải pháp khắc phục du lịch mang tính “mùa vụ” và cuối tuần như thời gian qua. Qua đây, Bà Rịa – Vũng Tàu muốn giới thiệu đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cũng như thủ tục đầu tư về lĩnh vực du lịch của tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị
Các diễn giả, khách mời trao đổi giải pháp về phát triển du lịch tại BR-VT
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều lợi thế và tiềm năng du lịch
Bà Rịa – Vũng Tàu có 200km bờ biển, trong đó có 100 km bãi tắm đẹp, có thể tắm biển quanh năm. Điều kiện sinh thái đa dạng, khí hậu thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi vừa có núi vừa có biển, có sông, hồ và đảo; cách Thành phố Hồ Chí Minh 70km.
Những năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư đồng bộ về cở sở hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, viễn thông, môi trường sinh thái và an ninh du lịch… nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng một không gian phát triển bền vững, chất lượng sống cao cho người dân và du khách nghỉ dưỡng.
Lượng khách du lịch đến Bà Rịa – Vũng Tàu tăng trưởng bình quân 13%/năm, doanh thu du lịch tăng bình quân 16%/năm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 khu vực không gian du lịch được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 với tổng diện tích hơn 3.300ha, đã thu hút được 153 dự án, trong đó có 23 dự án đã đưa vào hoạt động, điển hình như các thương hiệu quốc tế: Sixseens, The Grand, hồ Tràm Strip, Imperial, Pullman…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh: Với những lợi thế và tiềm năng trên, Bà Rịa – Vũng Tàu hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và quốc tế với 4 loại sản phẩm du lịch mũi nhọn: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch sinh thái chất lượng cao và du lịch lịch sử, tâm linh.
Thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ kêu gọi đầu tư 6 cụm du lịch: Cụm du lịch thành phố Vũng Tàu; cụm du lịch Long Hải – Phước Hải và vùng phụ cận; Cụm du lịch thành phố Bà Rịa – Núi Dinh và vùng phụ cận; cụm du lịch Hồ Tràm – Bình Châu; cụm du lịch Côn Đảo và các dự án du lịch ven sông…
Lãnh đạo tỉnh BR-VT tặng hoa các diễn giả, khách mời
Xây dựng thương hiệu du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu
Tại hội nghị các diễn giả, khách mời đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, gợi mở những giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch Vũng Tàu đạt chuẩn quốc tế.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. HCM cho rằng: Bà Rịa – Vũng Tàu cần hướng đến phân khúc du lịch cao cấp (lượng du khách này có thể ít nhưng nhiều tiền); khai thác sản phẩm du lịch mang bản sắc và sự khác biệt; cần có thông điệp cốt lõi về du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh đó, theo bà, Bà Rịa – Vũng Tàu cần làm mạnh tay tình trạng chặt chém du khách, thay vào đó là hình ảnh thân thiện, cởi mở, mến khách của người dân.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch gợi mở phát triển du lịch thông minh. Các nhà đầu tư nên quan quân đến mảng đầu tư sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ 4.0 tạo chất lượng dịch vụ cao, hướng đến giá trị bền vững, đồng thời tạo sự thân thiện chứ không chỉ “nhắm” vào túi tiền của du khách.
Để tạo đột phá, thu hút khách quốc tế đến Bà Rịa – Vũng Tàu, theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đó chính là MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) muốn vậy phải có trung tâm hội nghị triển lãm quy mô quốc tế và cần xác định điểm nhấn, biểu tượng của Vũng Tàu …
Ông Rohit Bassi cố vấn cấp cao tập đoàn khách sạn Marriott (Hoa Kỳ) lấy hình ảnh đất nước Singapore và thành phố Dubai để viện dẫn về sự phát triển du lịch Mice và việc tạo thương hiệu thu hút nhà đầu tư quốc tế. Bà Rịa – Vũng Tàu có nguồn lực cảnh quan thiên nhiên muốn thu hút khách quốc tế phải đi từng bước một, phải nhìn vào thương hiệu, xác định thương hiệu của mình là gì để phát triển.
Tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển du lịch
Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC GROUP) cho rằng, để tạo điều kiện phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng Bà Rịa – Vũng Tàu, cần thiết phải đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với TP. HCM và khu vực ở cả các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.
Bà Rịa – Vũng Tàu cần tháo gỡ nút thắt của dự án “treo” do nhà đầu tư không có năng lực, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có năng lực khai thác. Giải quyết hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Ông Tuấn cho biết: Hiện DIC đang chuẩn bị đầu tư 6 dự án về du lịch trên địa bàn với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD (Dự án tổ hợp du lịch Dic Star Vũng Tàu tại mũi Nghinh Phong; Khu phức hợp Cap Saint Jacques – Dic Star; Khu du lịch – Câu lạc bộ bến du thuyến Tiên Sa tại 88 Trần Phú, Vũng Tàu; Tổ hợp sân golf Hồ Tràm; Khu du lịch nghỉ dưỡng An Hải – Côn Đảo; Khu công viên tại núi Minh Đạm).
Vì vậy, theo ông Tuấn, doanh nghiệp rất cần chính quyền, các sở ngành địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà hiện tại vẫn “loay hoay về thủ tục hành chính”, gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai để doanh nghiệp thực hiện các dự án đúng tiến độ, mang đến những sản phẩm du lịch chất lượng cao, thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.
Thanh Huyền