Các năm về trước, các ngân hàng chưa thể thực hiện kế hoạch tăng vốn. Một phần, do thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu ngân hàng giảm, nên dù phát hành bằng mệnh giá cũng khó được nhà đầu tư đón nhận. Mặt khác, muốn phát hành cổ phiếu từ nguồn thặng dư để chia cổ tức và thưởng cho cổ đông bằng cổ phiếu cũng không dễ được cơ quan chủ quản là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận, bởi muốn chia cổ tức và thưởng cổ phiếu cho cổ đông, trước hết, ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro đầy đủ.

Các ngân hàng bắt đầu cuộc đua tăng vốn - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, tình hình hoạt động của ngành đã cải thiện, nợ xấu có đầu ra và giá cổ phiếu ngân hàng tăng. Đó là cơ sở thuận lợi để ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu chia cổ tức, thưởng cho cổ đông và kể cả bán cho nhà đầu tư… nhằm nâng cao năng lực tài chính.

Đó cũng chính là một trong những lý do NHNN sớm “gật đầu” với kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng. Ngày 28/6, NHNN chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên trên 6.699 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông OCB thông qua bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 14,2% và phát hành thêm 20,5% cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu (tăng vốn điều lệ đợt 2). 

Bên cạnh đó, NHNN chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng cho OCB bằng hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo đề nghị của OCB (tăng vốn điều lệ đợt 2) thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc. OCB có kế hoạch niêm yết 750 triệu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay. 

Trả lời báo chí, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, dự kiến vốn hóa của ngân hàng này sẽ đạt mức 1 tỷ USD sau khi niêm yết. 

Theo người đứng đầu OCB, Ngân hàng sẽ bán vốn cho nhà đầu tư ngoại trước khi lên sàn, nên OCB đang tìm đối tác. 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng vừa có văn bản về việc tăng vốn điều lệ năm 2018 của Techcombank, từ mức trên 11.655 tỷ đồng lên hơn 34.965 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Techcombank thông qua. 

Trước đó, cuối tháng 5/2018, NHNN đã cho phép VPBank tăng vốn điều lệ từ hơn 15.700 tỷ đồng lên 25.300 tỷ đồng theo phương án tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 thông qua. Mức tăng vốn tối đa theo kế hoạch của ngân hàng này là 27.800 tỷ đồng.

MB cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 18.155 tỷ đồng lên trên 21.604 tỷ đồng. 

Nếu như các năm trước, ngân hàng khó khăn, nên việc chi trả cổ tức không dễ dàng, thì một năm trở lại đây, cổ tức ngân hàng đã được cải thiện nhiều. Các ngân hàng cũng sớm chi trả cổ tức cho cổ đông. 

Ngày 9/7, MB chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 19%. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của MB sẽ tăng từ trên 18.100 tỷ đồng lên trên 21.604 tỷ đồng. 

Trong khi đó, Techcombank chốt chia cổ tức bằng cổ phiếu 1:2 để tăng vốn lên 34.965 tỷ đồng, thời gian phát hành trong quý III/2018. Đây được xem là sự bù đắp xứng đáng cho cổ đông Techcombank sau nhiều năm không nhận được cổ tức. Tuy nhiên, sau khi phát hành, giá cổ phiếu TCB của ngân hàng này sẽ được điều chỉnh giảm 3 lần so với mức thị giá tại thời điểm được chia cổ tức. 

VPBank đã chốt quyền nhận cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng vào ngày 19/6. Theo đó, VPBank phát hành 925 triệu cổ phiếu, tương đương 9.256 tỷ đồng để trả cổ tức và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. 

Ngày 5/7, cổ đông HDBank sẽ được nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 13%. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức 15%, với nguồn vốn 1.472 tỷ đồng. Ngoài ra, HDBank cũng dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 22%, tổng giá trị theo mệnh giá là 1.962 tỷ đồng.

Hầu như tất cả các ngân hàng đều trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn trong năm 2018, nhằm nâng cao năng lực tài chính và quan trọng hơn là tiến tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo quy định tại Hiệp ước Basel II. Vì vậy, một lượng cổ phiếu “vua” sẽ được đưa ra thị trường trong nửa cuối năm nay. 

Tăng vốn ngân hàng là cần thiết, song việc tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng trong năm 2018 lại là nỗi lo của các cổ đông. Tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu, khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chậm lại, đồng nghĩa với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của cổ phiếu ngân hàng vốn đã ở mức khá cao hiện nay tiếp tục tăng lên.

Bảo Ngọc T/h