Ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại và mới đây là lần phân bổ tiếp theo của cơ quan này cho các ngân hàng để có thể tăng trưởng cho vay trong nửa cuối năm.

Tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng cho vay tăng 4,73% so với cuối năm ngoái. Mức chỉ tiêu tín dụng 14% lần này dựa trên cơ sở đề nghị của ngân hàng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, phù hợp với mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm là với định hướng là 14 - 15%.

Mặc dù nửa đầu năm tín dụng tăng trưởng chậm, không gặp tình trạng căng thẳng vì cạn room như năm ngoái. Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng có mức tăng tốt hơn, gần chạm hạn mức. Việc điều chỉnh lần này sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong kế hoạch cho vay. Phía các doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ giúp họ tiếp cận dòng vốn dễ dàng hơn.

Ảnh minh họa

"Nguồn nguyên liệu phải thanh toán 100% bằng tiền mặt trong khi công nợ bán ra khách hàng nợ 2 - 3 tháng nên thiếu hụt vốn lưu động rất là nhiều", ông Vũ Công Huân - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn HDC nói.

"Trong quý II các doanh nghiệp có sự cải thiện đáng kể về khôi phục đơn hàng mới. Các doanh nghiệp như dệt may, da giày thủy sản sẽ dần có đơn hàng tốt hơn và mạnh dạn đi vay ngân hàng vào nửa cuối năm…", ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Khôi môi giới Công ty chứng khoán JB Việt Nam nói.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng không phải là chỉ tiêu cứng, mà sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này hoàn toàn có thể cân nhắc mở rộng tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế.

Trúc Mai