Năm nay cũng là năm thứ hai mà các trường học tại Pháp khai giảng trong bối cảnh sống chung với Covid-19 nhưng khác với năm trước, mức độ căng thẳng đã giảm bớt do đã có vaccine ngừa Covid-19 và tiến độ tiêm vaccine tại Pháp cũng đang được triển khai rất nhanh, hiện tại đã có gần 78% người Pháp từ 12 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, do số ca nhiễm hàng ngày tại Pháp hiện vẫn ở mức cao, từ 15.000 đến 20.000 ca/ngày nên các trường học vẫn phải duy trì các quy định chống dịch.
Hiện tại, toàn bộ các trường học tại nước Pháp lục địa và đảo Corse đang áp dụng mức cảnh báo số 2 trên 4 cấp độ cảnh báo. Ở mức này, toàn bộ học sinh từ mẫu giáo đến cấp 3 sẽ đến lớp học trực tiếp, không học trực tuyến. Trong lớp học và không gian kín tại trường, giáo viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 phải đeo khẩu trang. Từ cấp 1 trở xuống, nếu phát hiện 1 ca mắc Covid-19 trong lớp thì toàn bộ lớp sẽ nghỉ học cho đến hết hạn cách ly. Từ cấp 2 đến cấp 3, nếu có ca nhiễm thì những ca tiếp xúc đã tiêm vaccine sẽ vẫn đi học bình thường, học sinh nào chưa tiêm sẽ phải nghỉ học cách ly 7 ngày và học từ xa.
Nhìn chung, các quy định về y tế trong năm học mới tại Pháp khá phức tạp vì nhà chức trách trao cho các trường học và các khu vực sự tự chủ lớn, mỗi khu vực lại điều chỉnh các biện pháp hạn chế khác nhau tùy tình hình và theo nhận định, chắc chắn các trường học tại Pháp sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống y tế khó xử trong năm học này, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc.
So với Pháp, một số bang tại Đức thậm chí còn áp dụng các quy định y tế chặt chẽ hơn tại trường học, như yêu cầu tất cả học sinh đeo khẩu trang và tự xét nghiệm thường xuyên 2-3 lần mỗi tuần. Chính quyền liên bang cũng tài trợ đến 200 triệu euro mua các máy lọc không khí đặt trong lớp học. Tuy nhiên, do các bang tại Đức có thẩm quyền riêng về chính sách y tế nên quy định tại các bang cũng rất khác nhau, tùy diễn biến dịch. Nhìn chung, ngoài quy định giống nhau về khẩu trang, khử khuẩn và thông khí lớp học thường xuyên, các nước châu Âu chủ yếu khác nhau ở việc có đóng cửa lớp học nếu phát hiện ca mắc hay không. Đa số các nước đều ưu tiên việc hoạt động bình thường, chỉ yêu cầu học sinh mắc Covid-19 nghỉ học và cách ly 10 ngày, học sinh tiếp xúc gần nhưng chưa tiêm vaccine nghỉ 7 ngày. Các nước như Bỉ hay Anh hoàn toàn không đề cập việc đóng lớp học.
Tâm lý của giáo viên và phụ huynh học sinh
Nhờ có vaccine và việc đa số dân chúng đã tiêm đủ vaccine nên năm học này các giáo viên và phụ huynh học sinh đã bớt lo lắng hơn. Ngoài ra, kinh nghiệm nhiều tháng phải nghỉ học đột xuất dài ngày do lớp có ca nhiễm, rồi học trực tuyến… đã giúp nhiều gia đình có sự chuẩn bị tâm lý tốt hơn. Tuy nhiên, sự lo lắng và căng thẳng vẫn còn, với cả các giáo viên lẫn phụ huynh. Dịch bệnh kéo dài suốt 18 tháng qua ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các giáo viên vì sức ép công việc thời gian rất lớn. Kể cả khi lớp đóng cửa, các giáo viên vẫn phải chuẩn bị bài giảng học trực tuyến, thậm chí phải dạy song song cả trên lớp lẫn trực tuyến cho những học sinh bị cách ly. Do đó, với việc số ca mắc Covid-19 chắc chắn sẽ gia tăng trở lại sau khi học sinh đi học, các giáo viên cũng rất căng thẳng.
Hiện tại, tại một số nước nơi học sinh đi học sớm trở lại vài ngày qua, số ca mắc đang tăng tỷ lệ thuận, như Scotland, một số bang tại Đức. Tại Scotland, sau hơn 2 tuần học sinh quay lại trường, đã có ít nhất 200 học sinh phải nghỉ học vì dính Covid. Tại Anh, nơi mà ngay cả quy định đeo khẩu trang gần như cũng đã bị thả lỏng, mức độ căng thẳng của các giáo viên còn cao hơn. Giáo sư Neil Ferguson của trường Hoàng gia London, chuyên gia dịch tễ hàng đầu cố vấn cho chính phủ Anh thời gian qua cũng nhận định, chắc chắn khi học sinh quay lại trường, số ca mắc sẽ tăng mạnh và khi đó, môi trường học đường sẽ rất khó kiểm soát./.