Từ 6h đến 8h sáng 25/9, TP Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to với lượng mưa đo được nhiều nơi hơn 100mm trong 2h
Từ 6h đến 8h sáng 25/9, TP Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to với lượng mưa đo được nhiều nơi hơn 100mm trong 2h

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25 đến ngày 27/9, ở khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to. Khu vực Bắc và Trung Trung bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100 - 300 mm, khu vực từ Nghệ An - Quảng Bình có nơi trên 350 mm. Các tỉnh Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.

Dự báo từ 4h đến 7h sáng 25/9, thành phố Đà Nẵng có mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 30mm đến hơn 80mm. Mưa lớn làm nhiều tuyến đường nội thành các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu bị ngập từ 20cm đến hơn 30cm. Các tuyến đường thường xảy ra mưa ngập như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Đỗ Quang, Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám, nhiều phương tiện chết máy không lưu thông được. Trận mưa lớn vào buổi sáng đầu tuần làm nhiều người trễ giờ làm việc, học sinh đến trường muộn.

Nhằm đối phó với áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, hôm nay (25/9), nhiều tỉnh/thành miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đã đồng loạt phát đi cảnh báo về tình trạng mưa lũ, sạt lở do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đồng thời đưa ra các phương án chủ động ứng phó. 

Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng cho biết, đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi. Quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển.

Các Sở, ngành, quận/huyện và đơn vị sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn. Rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở…

Bên cạnh Đà Nẵng, tại tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu các ngành, địa phương chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Tỉnh này cấm biển kể từ 7 giờ sáng nay (25/9) cho đến khi thời tiết trên biển trở lại bình thường. Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở miền núi.

Sáng nay (25/9), trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to. Huyện miền núi Nam Đông ghi nhận tổng lượng mưa hơn 134mm ở xã Hương Phú, 112mm ở thị trấn Khe Tre, hơn 93mm ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc. Tại thành phố Huế, mưa to làm một số tuyến đường vùng thấp ngập cục bộ. Phương tiện giao thông di chuyển khó khăn.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện còn 25 phương tiện với trên 200 lao động, trong đó 19 phương tiện với hơn 180 lao động đang đánh bắt ở khu vực biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế cách bờ khoảng 40 - 65 hải lý. Các đơn vị tuyến biển sử dụng kênh thông tin tìm kiếm cứu nạn để thông báo cho các chủ phương tiện hoạt động trên biển biết về diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để ngư dân chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm. Tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế: “Chúng tôi cũng đã xác định những vị trí có nguy cơ sạt lở các vùng như ở Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc và Phong Điền. UBND tỉnh cũng có đoàn đi kiểm tra và chỉ đạo các địa phương nhắc nhở và có kế hoạch bảo vệ các khu vực sạt lở để tránh người dân đi lại trong mưa lũ”.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ; phá hủy các công trình... Do vậy, các địa phương phải hết sức trong việc cảnh giác và phòng chống.

PV (T/h)