Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức tuần qua, đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã bày tỏ ý kiến, đề xuất cụ thể liên quan vấn đề phát sinh sau sự kiện đáng tiếc xảy ra vào tháng 5. Đây là bài học, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp (DN), trở thành đích đến an toàn, sinh lời và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Giành lại niềm tin

Những ngày tháng 5 vừa qua, lợi dụng sự kiện người dân phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển của Việt Nam, một số đối tượng manh động đã phá hoại tài sản của DN. “ Điều này đã gây thiệt hại cho một số DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả về cơ sở vật chất và tinh thần, ảnh hưởng hình ảnh điểm đến thân thiện, ổn định và an toàn cho đầu tư mà Việt Nam đã tạo dựng thành công trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài nhiều năm qua”, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã giải quyết nhanh chóng, hiệu quả sự việc đáng tiếc này. Đến nay, 98 -99% các DN bị thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường. Điều này cho thấy các biện pháp của Chính phủ đã có tác dụng thiết thực. “ Ngay cả các DN bị thiệt hại lớn nhất cũng đang có kế hoạch triển khai xây dựng lại nhà xưởng, tiếp tục sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, cho thấy niềm tin của họ vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn được giữ vững”, ông Lộc cho biết.

Chủ tịch Hiệp Hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) Kim Jung In cho rằng, Chính phủ Việt Nam và những công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải đối mặt rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Song ông Kim Jung In cũng tin tưởng, hai bên hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn này bằng việc chung tay giải quyết với sự cảm thông và đánh giá tình hình một cách sáng suốt. “ Hơn bao giờ hết, Korcham luôn cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam để phát triển môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa”, ông kim Jung In khẳng định.

Thay mặt các DN Đài Loan, Trung Quốc, bà Lưu Mỹ Đức – Tổng hội Thương gia Đài Loan đánh giá cao quyết tâm và những việc làm hiệu quả của Chính phủ trong giải quyết vụ việc vừa qua, đồng thời khẳng định, các DN Đài Loan đã nhận được hỗ trợ từ phía Việt Nam.

Áp lực đổi mới

Tại VBF, các đại biểu cũng cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc trên nhiều phương diện. Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có phương án vừa duy trì ổn định quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc, vừa đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (FTA), trong đó có hai FTA với các đối tác lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), dự kiến sẽ kết thúc đàm phán trong tháng 10 năm nay. Việc thực hiện các hiệp định này, một mặt, sẽ mở rộng cơ hội thị trường cho nền kinh tế, mặt khác, đặt ra những áp lực đổi mới kinh tế theo hướng bình đẳng, minh bạch theo yêu cầu của luật chơi kinh tế toàn cầu.

Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch VBF, chia sẻ, các FTA mang lại cho nền kinh tế cũng như người dân Việt Nam nhiều cơ hội, bớt đi hàng rào thuế quan đối với các lĩnh vực may mặc, giày dép, nông nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu khác. Song những hiệp định này cũng sẽ đòi hỏi các quy định chặt chẽ. Ở Việt Nam, hạ tầng cơ bản vẫn chưa sãn sàng, bẫy thu nhập trung bình có thể xảy ra, nền kinh tế còn phụ thuộc tiền mặt… Do vậy, cần có một hệ thống để thực hiện các công việc thu phí hạ tầng, các khoản thuế và phí hải quan theo luật để từ đó các khoản thanh toán được thực hiện một cách minh bạch.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Tomaso Andreatta, sau khi EVFTA được ký kết, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng hơn 15% tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao có thể tăng khoảng 12% và giá trị xuất khẩu có thể tăng gần 35%. Tuy nhiên, các lợi ích tiềm năng này có thể bị suy yếu nếu Việt Nam không sớm thực hiện toàn diện các điều khoản thương mại quốc tế và bảo đảm thi hành hiệu quả các điều khoản này.

Theo Thời nay