Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong những tháng đầu năm, các bộ, ngành đã triển khai rà soát, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh.
Chính phủ đặt mục tiêu 2018 - chỉ số môi trường kinh doanh tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng
738 điều được bãi bỏ, sửa đổi
Với nghị quyết trên, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của NH Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang xếp hạng thấp.
Cùng với đó, hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay, xuống còn dưới 10%.
Theo Báo cáo số 4418/BC-BKHĐT của Bộ KH&ĐT, tính đến hết quý II/2018, có 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ và sửa đổi hoặc đơn giản hóa.
Từ nay đến thời hạn phải ban hành nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (ngày 31/10/2018) là 4 tháng, ngoài Bộ Công thương đã có nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh, thì mới có 2 bộ là Xây dựng và NN&PTNT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định. Các bộ còn lại, đang xây dựng phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh và chuẩn bị dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh.
“Trung bình số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt bỏ, sửa đổi chiếm 54%, trong đó số điều kiện kinh doanh đề xuất cắt bỏ đạt 36%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh (đề xuất cắt bỏ, sửa đổi) được quy định tại các văn bản Luật, do vậy thời gian đạt mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh sẽ kéo dài hơn”, Bộ KH&ĐT cho biết.
Cũng theo Bộ KH&ĐT: “Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số bộ, trong một số lĩnh vực như y tế, công thương, xây dựng..., song vẫn còn quá ít so với yêu cầu và mức độ vào cuộc của các bộ vẫn còn khác biệt. Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN”.
Có chuyển biến, nhưng chưa đồng đều
Trong quý II/2018, tình hình và kết quả cải cách quy định về thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có nhiều thay đổi với việc ban hành một số văn bản pháp luật liên quan, nhưng kết quả thực tế chưa có sự chuyển biến đáng kể, do các văn bản vừa mới bắt đầu có hiệu lực.
Tuy nhiên, đáng chú ý là một số quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung nêu trên, thậm chí còn thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền phức hơn cho DN so với trước đây. Chẳng hạn như thủ tục chuẩn bị tờ khai theo Thông tư 39/2018/TT-BTC tăng thêm và gây tốn kém thời gian hơn cho DN.
Về yêu cầu rà soát, đề xuất cắt giảm 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, Bộ KH&ĐT cho biết, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/12/2017, Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 31/12/2017, Nghị quyết 01 ngày 1/1/2018.
Tính đến ngày 26/6/2018, kết quả rà soát, đề xuất phương án cắt giảm danh mục hàng hóa và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ như sau.
Bộ Y tế, với Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 về quản lý ATTP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, đã giảm 95% lô hàng phải kiểm tra ATTP. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT chưa có thông tin cập nhật về đề xuất cắt giảm danh mục các mặt hàng khác thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.
Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 1588/QĐ-TNMT ngày 18/5/2018, công bố phương án cắt giảm danh mục hàng hóa và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, dự kiến cắt giảm 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 51,3%) và bãi bỏ, đơn giản hóa 13/13 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, trong đó đơn giản hóa 10 thủ tục liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và bãi bỏ 3 thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon.
Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục hàng hóa, sản phẩm hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra về chất lượng khi nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của bộ và đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành (ngày 4/5/2018). Theo đó, dự kiến đưa ra khỏi Danh mục 5/33 sản phẩm hàng hóa; chuyển đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm 12/33 sản phẩm, hàng hóa. Như vậy, tổng số danh mục mặt hàng cắt giảm, chuyển đổi phương thức kiểm tra là 17/33 sản phẩm, đạt tỷ lệ 51,51%.
Bộ NN&PTNT đã thực hiện rà soát và xây dựng phương án cắt giảm danh mục hàng hóa, chuyển đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành. Bộ cũng đang tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm mặt hàng theo mã HS tương ứng, đồng thời xây dựng danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung.
Bộ Xây dựng đã cắt giảm và đề xuất cắt giảm 39/64 mặt hàng thuộc 10 nhóm sản phẩm.
Bộ Công thương mới chỉ nêu phương án chuyển 402/702 mặt hàng từ kiểm tra giai đoạn trước thông quan, sang sau thông quan, chưa phải kết quả cắt giảm danh mục.
Bộ KH&CN cắt giảm 24/26 nhóm sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chủ yếu thuộc 2 nhóm còn lại…
Bộ KH&ĐT cho biết: “Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số Bộ trong một số lĩnh vực (như Y tế, Công thương, Xây dựng), song vẫn còn quá ít so với yêu cầu và mức độ vào cuộc của các bộ vẫn còn khác biệt. Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn,… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”.
Bùi Quyền