Theo thông tin từ hội thảo, hiện cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, thậm chí còn mang tính “chộp giật” và có phần manh mún tại một số đô thị, trung tâm du lịch lớn.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, kinh tế ban đêm ở nước ta mới chỉ dừng lại ở chợ đêm và phố đi bộ, cửa hàng tiện lợi mà chưa có sản phẩm giải trí đa dạng. Nhiều nơi đã tổ chức hoạt động kinh tế ban đêm thì thiếu sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách, ví dụ như không có khu thương mại mua sắm xuyên đêm…
Hiện nay, việc phát triển kinh tế đêm đang gặp khó khăn bởi nhiều vướng mắc về chính sách. Một số địa phương lo ngại, phát triển hoạt động kinh tế về đêm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Đề án đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết; có những khó khăn, thách thức, xung đột về lợi ích nhưng cũng có rất nhiều cơ hội để chúng ta phát triển. Việc đầu tiên cần quan tâm đó là xác định được những loại hình dịch vụ cơ bản nào cần phát triển về đêm; cần thúc đẩy mạnh, khuyến khích, hỗ trợ về chính sách và đầu tư làm sao đảm bảo được tính bền vững, đảm bảo an toàn".
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho rằng thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, hoạt động karaoke diễn ra đến 12h đêm và vũ trường hoạt động đến 2h sáng, nếu đặt trong các khu dân cư sẽ gây ra những xung đột. Vì vậy, trong định hướng, UBND các địa phương cần đưa phát triển kinh tế đêm vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các khu dân cư mới. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư không phải đi đường vòng khi quyết định đầu tư vào hoạt động kinh tế đêm.
Ông Nguyễn Văn Quẫn, Chủ tịch Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Tây Đô Land cho rằng, ngoài mô hình du lịch đêm trong khu riêng biệt, còn có những hình thức kinh tế đêm vận hành tồn tại song song với đời sống của người dân hoặc thuộc phạm vi đất công cộng thuộc quyền lý của nhà nước. Với những mô hình này thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đề nghị Thủ tướng Chính phủ có những cơ chế “cởi trói” hành lang pháp lý sử dụng đất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể đầu tư phát triển kinh tế đêm hiệu quả.
Ngọc Khánh