Chiều 25/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
![Toàn cảnh buổi thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh quochoi.vn. Toàn cảnh buổi thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh quochoi.vn.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/05/25/250520240212-z5474841978239-63a8498be8d576b603376eff79f1e562-1716630412.jpg)
Tiếp đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát biểu giải trình nội dung đại biểu quan tâm.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Vẫn còn bất cập trong các quy định về bảo vệ khoáng sản, tận thu khoáng sản
Về tổng thể, đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời đánh giá cao và chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Góp ý cụ thể việc thực hiện các chính sách tài khóa, về kết quả đạt được có thể đánh giá như sau:
Thứ nhất, việc triển khai thực hiện áp dụng chính sách tài khóa theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.
Thứ hai, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã có tác động tích cực trực tiếp đến đời sống xã hội, qua đó giảm giá thành sản phẩm, giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của người dân.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện cũng có những tồn tại, hạn chế. Về chính sách đầu tư phát triển, theo đại biểu Dương Khắc Mai, việc giải ngân vốn thuộc chương trình được tỉnh Đắk Nông tích cực thực hiện ngay từ khi được Chính phủ. Tuy nhiên, hiện còn vướng mắc có thể ảnh hưởng đến mục tiêu này, đó là vấn đề bất cập trong Luật Khoáng sản hiện hành như các quy định về bảo vệ khoáng sản, tận thu khoáng sản.
![Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận tại Hội trường. Ảnh quochoi.vn Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận tại Hội trường. Ảnh quochoi.vn](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/05/25/250520240222-z5474854635265-d5cad670d5cf8005a87b95558cfaba8b-1716631084.jpg)
Vướng mắc nay còn làm cho nhiều dự án, dự án thành phần thuộc 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khác chưa thể triển khai thực hiện được, do đó ảnh hưởng đến việc tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng chung đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. “Nội dung này tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội. Do đó, tôi tiếp tục kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có giải pháp tháo gỡ cho tỉnh Đắk Nông”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, chính sách tài khóa hầu hết là các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội: Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đầy đủ các thủ tục đầu tư, tính công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, với tính chất là dự án nhóm B thường được triển khai thực hiện trong 4 năm nhưng dự án, chương trình mang tính cấp bách bắt buộc triển khai trong 2 năm (2022, 2023) và không thuộc trường hợp được phép chỉ định thầu theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 43, vẫn phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng, các bước khác cũng theo quy trình thực hiện dự án thông thường nên quá trình tổ chức, triển khai gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án.
![Các đại biểu tại Hội trường tham gia thảo luận. Ảnh quochoi.vn. Các đại biểu tại Hội trường tham gia thảo luận. Ảnh quochoi.vn.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/05/25/250520240941-z5474000229395-ac4db566c4e465a965732922c17ddf82-1716630478.jpg)
Đại biểu Dương Văn Phước cũng cho biết, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội cũng rất quan tâm đến ngành y tế. Cả 2 chính sách tài khóa và tiền tệ đều tập trung nguồn lực cho phát triển y tế nhưng một số dự án đề xuất vẫn chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch cũng như yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đồng thời, một số dự án thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu nhất là việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất dạy nghề chưa phù hợp.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, chính sách đầu từ công và đầu tư phát triển chỉ giải ngân được 65,3% kế hoạch, tiến độ giải ngân nhiều dự án không đạt yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có trách nhiệm của một số Bộ, ngành Trung ương cũng như một số địa phương thiếu sự triển khai quyết liệt.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, Quốc hội cần xem xét banh hành các cơ chế chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế, xã hội cũng như các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Hai là, Chính phủ cần điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản.
Ba là, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
PV (lược ghi)