Theo ADB, tăng trưởng chậm lại làm gia tăng rủi ro về tính dễ đổ vỡ cấu trúc của nền kinh tế, đặc biệt là sự phụ thuộc quá mức vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI làm đầu tàu, mối liên kết yếu kém giữa ngành công nghiệp chế biến - chế tạo với phần còn lại của nền kinh tế, các thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá lớn vào tín dụng ngân hàng và các rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp.
Do vậy, các biện pháp chính sách trong năm 2024 cần kết hợp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn với khắc phục các yếu kém cơ cấu trong dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, vị thế tài khóa thuận lợi, thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỷ lệ nợ công trên GDP thấp, giúp Việt Nam có đủ không gian tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng.
Theo báo cáo của ADB, Chương trình giảm thuế giá trị gia tăng hiện tại đã được gia hạn tới tháng 6/2024 và có thể được kéo dài tới cuối năm 2024. Một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỷ USD, đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay.
Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể. Đầu tư công được đẩy mạnh và điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân trong năm 2024.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cần hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích các hoạt động kinh tế.
Đồng thời, ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách mang tính cơ cấu - bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng - vì chúng là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn và bền vững.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, cơ hội thu hút FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO.
PV (t/h)