Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN đã tương đối đầy đủ với 10 luật, 56 nghị định, 47 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 270 thông tư, thông tư liên tịch và 20 quyết định của Bộ trưởng còn hiệu lực. Hằng năm, có khoảng 30 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN được sửa đổi ban hành hoặc ban hành mới.
Các quy định pháp luật về KH&CN có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như thương mại, thuế, đất đai, môi trường, y tế, khoáng sản, an ninh, ứng phó tình trạng khẩn cấp,… Vì vậy, vẫn còn một số quy định, chính sách trong các ngành, lĩnh vực khác chưa được điều chỉnh tương ứng. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều văn bản được ban hành trong giai đoạn trước chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời khi các quy định liên quan đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, ví dụ một số quy định ưu đãi trong hoạt động KH&CN chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các ngành, lĩnh vực khác như thuế, đất đai, v.v… nên chưa có tạo nên một hệ thống đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng thực thi của chính sách.
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Làn sóng công nghệ mới đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia, tạo ra những tác động mạnh mẽ và ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Để đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cam kết quốc tế Việt Nam mới gia nhập, việc sửa đổi, bổ sung số văn bản quy phạm pháp luật cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về KH&CN và để phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, việc hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN thực sự cấp thiết. Các định hướng hoàn thiện pháp luật về KH&CN trong giai đoạn 2021-2025 tập trung vào việc sửa đổi quy định pháp luật bảo đảm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; giải quyết những vướng mắc, bất cập của văn bản pháp luật hiện hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, cũng cần hoàn thiện pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số.
Trong năm 2022, với sự góp ý, ủng hộ của các đại biểu quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua. Một trong những chính sách lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là quy định về việc quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021, Bộ KH&CN cũng đã rà soát 04 luật trong lĩnh vực KH&CN gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, Luật KH&CN năm 2013, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008. Dự kiến, Bộ KH&CN sẽ tập trung hoàn thiện việc xây dựng các dự thảo Luật này để trình Quốc hội trong khóa XV.
Anh Minh