Tiến sỹ Phan Bích Thiện, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âutrao đổi về hoạt động Mặt trận Tổ quốc, đối ngoại Nhân dân trong cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.
Theo Tiến sỹ, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, vì thế chúng ta cũng cần triển khai ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài. Có thể thí điểm ở một số nước có cộng đồng mạnh, sau đó sẽ lan rộng ra ở các nước khác.
PV: Đã khá lâu mới có một Hội nghị của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam có sự tham dự của các Ủy viên MTTQ Việt Nam ở nước ngoài phải không thưa bà?
Tiến sỹ Phan Bích Thiện: Trong nhiệm kỳ khóa IX (2019 - 2024) của Ủy ban Trung ương MTTQ lần này, rất tiếc vì đại dịch nên những ủy viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam ở nước ngoài không có dịp để dự một số Hội nghị trước đó. Chính vì thế về dự Hội nghị UBTƯ MTTQ lần này, tôi rất vui mừng khi nhận thấy sau đại dịch, sau những khó khăn do đại dịch gây ra, trong tình hình chung thế giới có rất nhiều biến động không chỉ do đại dịch mà còn cả chiến tranh, Việt Nam vẫn giữ được sự phát triển kinh tế và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Đó là niềm vui và tự hào với người xa xứ như chúng tôi.
Trong những năm vừa qua, các Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ở nước ngoài cũng có những hoạt động rất hiệu quả. Cụ thể nhất là đợt hưởng ứng, kêu gọi bà con ở nước ngoài đóng góp hỗ trợ cho bà con trong nước trong dịp đại dịch Covid. Đặc biệt, ở các nước Châu Âu, đã phối hợp cùng Đại sứ quán cũng như bà con cộng đồng để hỗ trợ bà con người Việt từ Ukraine sang các nước trong chiến sự. Năm nay ở Hungary, chúng tôi cũng vừa được đón tiếp phái đoàn cấp cao chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu sang thăm chính thức Hungary.
Chuyến thăm của Thủ tướng đã đánh dấu bước tiến rất quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hungary. Bên cạnh những hợp tác trong nhiều lĩnh vực, có một điểm rất quan trọng và vui mừng đối với cộng đồng, là Thủ tướng đã ủng hộ những ý kiến kiến nghị của bà con cộng đồng, mong muốn cộng đồng người Việt sẽ được công nhận là dân tộc thiểu số ở Hungary. Trong cuộc gặp với Tổng thống, Thủ tướng, Quốc hội Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều đề nghị chính phủ, các cơ quan lập pháp nước bạn về việc này. Việc đó cũng khích lệ chúng tôi rất nhiều.
Tôi nghĩ việc phấn đấu để cộng đồng người Việt ở Hungary trở thành dân tộc thiểu số cũng là một nhiệm vụ đối ngoại nhân dân quan trọng, làm sao vừa giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình, nhưng lại trở thành một thành viên bình đẳng với xã hội nước bạn.
PV: Trong vai trò một Ủy viên UBTƯMTTQ Việt Nam, bà có những ý kiến đóng góp gì tại Hội nghị lần này?
Tiến sỹ Phan Bích Thiện: Hàng năm, ở trong nước chúng ta đều có ngày hội đại đoàn kết dân tộc diễn ra rất hiệu quả. Đoàn kết là sức mạnh làm nên mọi thành công. Phong trào đại đoàn kết của Việt Nam rất tốt, cần được phát huy không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài. Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, vì thế chúng ta cũng cần triển khai ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài. Có thể thí điểm ở một số nước có cộng đồng mạnh, sau đó sẽ lan rộng ra ở các nước khác.
Tôi rất mong muốn trong năm 2024 có thể tổ chức một ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở Hungary, để làm sao bà con cộng đồng hiểu thêm về vai trò của Mặt trận Tổ quốc, hiểu thêm về ý nghĩa của từ đại đoàn kết dân tộc. Và chúng ta lại tập hợp được, liên kết được nhiều hơn bà con trong cộng đồng, quy tụ lại để hướng về quê hương đất nước. Thậm chí chúng ta có thể mời các tổ chức của Hungary yêu quý Việt Nam, miễn làm sao tạo được ngày hội thật sự cho cộng đồng đông đảo nhất.
PV: Bà từng nói rằng đối ngoại nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Mặt trận Tổ quốc đối với khối bà con kiều bào. Được biết, tại nhiều diễn đàn, bà cũng đề cập những vấn đề cụ thể trong đối ngoại nhân dân?
Tiến sỹ Phan Bích Thiện: Một vấn đề quan trọng trong đối ngoại nhân dân là: xây dựng thương hiệu của đất nước Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam được coi là một điểm sáng trong việc tăng trưởng kinh tế. Nhưng theo tôi, để xây dựng thương hiệu đất nước, chúng ta cần chú trọng đến việc quảng bá văn hóa Việt. Để quảng bá hiệu quả, chúng ta không nên làm dàn trải, mà cần có chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, chọn ra một mũi nhọn của văn hóa Việt để tập trung quảng bá. Theo kinh nghiệm riêng, tất cả các bạn bè tôi sang Việt Nam đều thích ẩm thực Việt.
Ví dụ: ẩm thực đường phố của người Việt cũng là một nét đăc trưng, có thể xây dựng thương hiệu Việt Nam là đất nước có ẩm thực đường phố nổi tiếng. Hoặc các nhà chuyên môn có thể đưa ra những lời khuyên khác nữa, để có thể chọn ra, không cần nhiều, chỉ một vài điểm thôi nhưng thực sự nổi bật, thực sự Việt Nam có uy thế và được bạn bè quốc tế đánh giá cao, để chúng ta quảng bá. Và để người ta nhớ đến điều đó. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể định vị được thương hiệu Việt Nam, giá trị về văn hóa Việt trên trường quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Theo VOV.vn.