Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Bộ Công an cho biết, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo hành lang pháp lý hữu hiệu để đảm bảo công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự, như: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Luật Căn cước năm 2023; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/6/2023; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo… theo đó, nhiều hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như: Một số hành vi chưa được quy định trong Nghị định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể gây khó khăn, lúng túng trong công tác xử lý vi phạm hành chính; nhiều hành vi vi phạm mức phạt tiền còn thấp, chưa có hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả nên tính răn đe, giáo dục còn hạn chế. Tiêu biểu là:

(i) Về đối tượng xử phạt vi phạm hành chính:

Đối tượng xử phạt vi phạm hành chính được xác định trong Nghị định số 144/2021/NĐ-CP còn chưa bao quát hết các tổ chức có thể là chủ thể thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự như: Ban quản trị, Ban quản lý nhà chung cư,...

(ii) Về xác định hành vi vi phạm:

Điều 6 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP xác định phải chuyển hành vi đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự cho cơ quan điều tra trong khi chưa cần nói rõ vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không. Vấn đề này chưa phù hợp với Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Một số quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP liên quan đến các hành vi trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ chưa phù hợp với chính sách hình sự tại Điều 304 Bộ luật Hình sự.

Điểm k khoản 3 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi "Nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố". Quy định này chưa phù hợp với quy đinh tại khoản 3 Điều 314 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của bên nhận cầm cố tài sản như sau: "Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận". Theo đó, việc cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ cầm cố tài sản nhưng sau đó thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố cho thuê, mượn lại chính tài sản cầm cố đó với người đi cầm cố là phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự.

(iii) Về mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả:

Một số hành vi vi phạm hành chính còn thiếu biện pháp khắc phục hậu quả và có mức phạt tương đối thấp chưa có tính răn đe, phòng ngừa vi phạm; dẫn đến tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hiện đang tồn tại tâm lý là chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với việc chấp hành đúng quy định của pháp luật hoặc vẫn có tư tưởng xem nhẹ sai phạm đó.

Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP không quy định biện pháp khắc phục hậu quả "buộc thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy" đã được quy định tại khoản 6 Điều 38 dẫn đến còn nhiều cách hiểu khác nhau trong việc xác định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

(iv) Về thẩm quyền xử phạt:

Điều 76 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chưa quy định thẩm quyền xử phạt đối với "các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt" được quy định tại Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Khoản 4 Điều 78 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP không quy định thẩm quyền xử phạt cho lực lượng Bộ đội biên phòng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm (Điều 11), các hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy (Điều 23) là chưa phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và Luật Biên phòng năm 2020.

Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định mới của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tăng cường răn đe, giáo dục cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt trên cơ sở quy định mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Luật Căn cước năm 2023; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo… và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP như sau:

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, đối tượng xử phạt là tổ chức và các hành vi được quy định đồng thời trong Bộ luật Hình sự, cụ thể:

(i) Về biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 3 Điều 3): sửa đổi, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân" thành "Buộc nộp lại thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân; giấy chứng nhận căn cước; số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại"; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy", "buộc thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã khi người cai nghiện ma túy tự ý chấm dứt hoặc hoàn thành việc sử dụng dịch vụ cai nghiện ma túy"; "buộc thông báo công khai, minh bạch về loại dịch vụ, quy trình thực hiện dịch vụ, giá dịch vụ cai nghiện ma túy"; "buộc ký hợp đồng dịch vụ cai nghiện ma túy".

(ii) Bỏ quy định hình thức xử phạt trục xuất là hình thức xử phạt bổ sung đồng thời bổ sung quy định: việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung; không áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đã được cấp giấy chứng nhận căn cước.

(iii) Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính (khoản 3 Điều 4): bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với "tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật".

(iv) Về thủ tục xử phạt đối với với những hành vi đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự: Bãi bỏ quy định về thủ tục xử phạt đối với những hành vi đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự tại Điều 6 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP vì nội dung này đã được quy định cụ thể tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định về tố tụng trong Luật Tố tụng hình sự.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung phần hành vi vi phạm và chế tài xử phạt; phần thẩm quyền xử phạt.

TheoChinhphu.vn